Dọc tuyến phố trung tâm từ Phố Huế - Hàng Bài - Hồ Gươm… có nhiều biển, bảng led có cường độ sáng lớn được sử dụng. Việc các biển quảng cáo, đèn led được đặt không hợp lý, gây lóa mắt người tham gia giao thông ở các đô thị lớn đã trở thành một vấn đề nhức nhối, thường gặp. Sau thời gian dài ảnh hưởng dịch COVID-19, để thu hút sự chú ý nhiều hơn, một số bảng led được chỉnh cường độ sáng ở mức lớn xuất hiện trên nhiều tuyến phố cổ nhỏ hẹp tại Hà Nội. |
Thời điểm vào buổi tối, khi tầm nhìn của người điều khiển giao thông bị hạn chế, những nguồn sáng mạnh, sáng hắt có thể gây lóa tạm thời, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông, nhất là vào những khung giờ cao điểm hằng ngày, các biển led này dễ gây chói mắt, phản xạ bất ngờ và gây tai nạn giao thông.
Người tham gia giao thông dễ bị lóa mắt bởi biển led có độ sáng mạnh (ngã tư Bà Triệu - Trần Nhân Tông). Đa phần người dừng đèn đỏ phải quay mặt qua hướng khác, nhẩm đếm giây chờ. |
Bảng Led tại ngã tư Chợ Hôm ( Phố Huế - Trần Nhân Tông) nằm ở vị trí khá thấp, ánh sáng gần như trực tiếp rọi thẳng vào mặt người tham gia giao thông. |
Một quán vỉa hè phố Lê Văn Hưu lạm dụng đèn sáng cường độ lớn để thu hút khách hàng. |
Vẫn còn những cơ sở chiếu rọi đèn quảng cáo dưới lòng đường. Phản xạ mất lái do tránh "vật thể" trên lòng đường này xảy ra khá phổ biến, rất nguy hiểm. |
Cụm cửa hàng này trên phố Hàm Long dù ngay sát cột đèn đường vẫn rất 'cẩn thận' trang bị hệ thống đèn hắt chói mắt và dây led cuốn quanh thân cây. |
Ánh sáng cường độ cao có tác động lớn gây cản trở quan sát cho những người có tật nhược thị, đặc biệt nếu trời mưa, ánh sáng khúc xạ qua mặt kính bám nước. |
Ô nhiễm ánh sáng do lạm dụng cường độ đèn được coi là "kẻ thù giấu mặt" ảnh hưởng trực tiếp nhưng âm thầm tới sức khỏe, tinh thần của con người, nhất là những người lao động, những hộ dân sinh sống quanh nguồn sáng. |