Gian nan thu hồi tài sản tham nhũng - Bài 1:

Quan tham 'ăn' mười, chỉ thu lại được một, hai

Đóng tàu tại công ty TNHH MTV Nam Triệu (Vinashin. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Đóng tàu tại công ty TNHH MTV Nam Triệu (Vinashin. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trong xử lý các vụ án tham nhũng, bên cạnh hình phạt thì dư luận xã hội cũng luôn đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có các biện pháp để thu hồi được triệt để tài sản tham nhũng (TSTN) của các quan tham. Tuy nhiên, kết quả thu hồi TSTN đạt được trong những năm qua hết sức hạn chế, nhiều vụ việc không thể thu hồi được vì đối tượng đã tẩu tán, gột rửa…

“Tiền chùa”

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2013 số tiền, TSTN  thu hồi được chỉ đạt chưa đến 10%. Năm 2014, dù nỗ lực hơn thì các cơ quan chức năng cũng chỉ thu hồi được 22% TSTN. Điều đó có nghĩa là một khối tài sản khổng lồ của nhà nước chưa thể thu hồi được.

Theo Báo cáo của Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính Trung ương (T.Ư), có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân từ việc quản lý tài sản của nhà nước còn lỏng lẻo, là khe hở để các cán bộ có chức vụ chủ chốt có cơ hội thao túng và điều hành cấp dưới tham nhũng. Điều đáng nói khi tài sản thuộc sở hữu nhà nước bị tội phạm về tham nhũng xâm hại thì các cơ quan tổ chức được giao quản lý tài sản này thường không chủ động chứng minh tài sản bị xâm hại như thế nào, mà “phó mặc” cho cơ quan tiến hành tố tụng.

Quan niệm tài sản thuộc sở hữu nhà nước là “của chùa” vẫn có trong không ít những người được giao quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước. Có đơn vị không những không chứng minh tài sản bị xâm hại mà còn cho rằng, tài sản không bị mất, không yêu cầu bồi thường.

Đơn cử như trong vụ án Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), theo Bản án của Tòa phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao (tháng 8/2012), Phạm Thanh Bình (Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin), Trần Văn Liêm và đồng bọn phải có trách nhiệm bồi thường cho 6 công ty là: Cty TNHH MTV Vinashin, Cty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh, Cty TNHH MTV tàu thủy Cái Lân, Cty TNHH MTV điện Cái Lân, Cty TNHH MTV Nam Triệu và Cty Cổ phần đầu tư Cửu Long là 1.149 tỷ đồng…

Dù đã được các cơ quan chức năng “đốc thúc” nhiều lần, thậm chí Bộ Tư pháp phải chủ trì cả một cuộc họp với các bộ ngành có liên quan để bàn về việc thi hành án song chỉ có 2 trong số 6  doanh nghiệp trên làm đơn yêu cầu thi hành án. Riêng Cty Hoàng Anh thì khẳng định không bị thiệt hại và không yêu cầu các nguyên lãnh đạo Vinashin bồi thường hơn 34 tỷ đồng theo quyết định của toà án…

Một nguyên nhân nữa là tài sản có nguồn gốc tham nhũng đã được các đối tượng “gột rửa”, biến tiền “bẩn” thành tiền “sạch”. Thậm chí, trong nhiều vụ việc các cơ quan chức năng rất khó thu hồi các bất động sản, dù rằng nó được mua bằng tiền phạm tội mà có. Trong vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, Tòa phúc thẩm đã tuyên giao trả lại cho bị cáo Nguyễn Thị Lành căn nhà ở quận Gò Vấp, vì đây là tài sản mang tên của vợ và chồng Lành, không có căn cứ để làm rõ mỗi người đóng góp bao nhiêu…

Ngoài ra, Báo cáo nghiên cứu của Ban Nội chính T.Ư cũng lưu ý một thực trạng là có nhiều đối tượng phạm tội có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng TSTN. Do vậy các đối tượng này có thái độ kiên quyết không hợp tác với các cơ quan tố tụng, che giấu, tẩu tán TSTN để hưởng lợi.

Đột phá về cơ chế

Theo GS Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), muốn thu hồi TSTN hiệu quả cần có những “đột phá” mạnh mẽ. Trong đó có thể tiến hành thu hồi tài sản dù chưa có bản án. “Tôi thấy tài sản anh bất hợp pháp, tôi thu cái đã còn quá trình điều tra phát hiện ra vi phạm, tội phạm thì truy tố sau. Chúng ta đang cần sự đột phá như thế mà không làm được sẽ rất đáng tiếc”, ông Hạnh nói.

Báo cáo nghiên cứu của Ban Nội chính T.Ư cũng lưu ý một thực trạng là có nhiều đối tượng phạm tội có tâm lý sẵn sàng chấp nhận hình phạt để thụ hưởng TSTN.

Báo cáo của Ban Nội chính T.Ư cũng cho rằng, cần coi thu hồi TSTN là biện pháp chính để xử lý hành vi tham nhũng. Biện pháp này cần được tiến hành song song với việc chứng minh hành vi tham nhũng, thậm chí cần tiến hành trước để lần ra dấu vết, ngăn chặn và giải quyết triệt để hậu quả của hành vi tham nhũng.

Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung các quy định về việc cho phép cơ quan điều tra được áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt với một số loại tội, trong đó có các tội về tham nhũng như: ghi âm, nghe điện thoại, kiểm tra thư tín, tài khoản ngân hàng… giúp nhanh chóng phát hiện, làm rõ hành vi cũng như TSTN.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng tẩu tán tài sản ra nước ngoài, Nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính T.Ư đề nghị sửa đổi, bổ sung các quy định trong Luật Tương trợ tư pháp, cũng như ký kết, tham gia các hiệp định tương trợ tư pháp để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài thực hiện thu hồi TSTN có yếu tố nước ngoài.

(Còn tiếp)
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.