Quán quân Giải thưởng Cựu du học sinh Anh mang âm nhạc cổ điển chạm tới trái tim công chúng Việt

0:00 / 0:00
0:00
Dù là một “hiện tượng piano của Việt Nam” khi mới tròn 20 nhưng nghệ sĩ Trang Trịnh chưa từng muốn định vị mình ở một vai trò cố định. Chính bởi vậy, thay vì chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu, Trang dấn thân vào những dự án cộng đồng để lan tỏa tình yêu âm nhạc nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng.
Quán quân Giải thưởng Cựu du học sinh Anh mang âm nhạc cổ điển chạm tới trái tim công chúng Việt ảnh 1

Nghệ sĩ dương cầm Trang Trịnh

“Nước Anh định hình tư duy nghệ thuật trong tôi”

Được biết Trang Trịnh bắt đầu làm quen với âm nhạc từ năm 4 tuổi, lên 7 tuổi cô học piano tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Sau đó cô theo học hai vị giáo sư nổi tiếng về piano là Christopher Elton và Hilary Coates. Năm 2004, hai giáo sư đã thuyết phục được Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh tổ chức lại hội đồng chấm thi dành riêng cho Trang Trịnh, cô đã trúng tuyển và được cấp học bổng Sterndale Bennett - học bổng mang tên nhạc sĩ nổi tiếng người Anh ở thế kỷ 19. Sáu năm sau cô bảo vệ thành công bằng thạc sĩ âm nhạc chuyên ngành biểu diễn piano tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh và bắt đầu có những buổi biểu diễn độc tấu đầu tiên tại Châu Âu.

Trang chia sẻ tài sản vô giá cô nhận được trong những năm tháng giáo dục tại Anh đó chính là lối tư duy nghệ thuật độc lập mà cô đã, đang và sẽ luôn theo đuổi. Giống như những sinh viên khác, Trang chưa từng có một giây phút nào thấy mình giống một người sinh viên. Ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Anh, Trang đã học được cách tồn tại, phát triển và sáng tạo âm nhạc như một người nghệ sĩ trẻ thực thụ mà cho đến tận bây giờ cô vẫn luôn cảm kích vì điều đó.

Bên cạnh tập piano 8 tiếng mỗi ngày, môn học phụ truyền cảm hứng lớn nhất và ảnh hưởng tới sự phát triển nghệ thuật của tôi là môn Âm Nhạc và Cộng Đồng, nơi tôi được mang âm nhạc của mình một cách sáng tạo tới những không gian mới, tiếp cận với khán giả một cách chủ động và biến hoá trong cách thể hiện nghệ thuật.” - Trang chia sẻ về niềm biết ơn đối với nền giáo dục Vương quốc Anh nơi cô theo học.

Có lẽ cũng chính vì vậy, những tư duy về giá trị cộng đồng trong việc chơi nhạc và giáo dục âm nhạc đã khơi nguồn cho những dự án có ý nghĩa trong sự nghiệp của cô sau này.

Âm nhạc góp phần “xây dựng xã hội với những tâm hồn sung túc”

Không chỉ là một người nghệ sĩ mang những bản nhạc tuyệt vời đến người nghe, Trang Trịnh còn là một nhà giáo dục âm nhạc khi liên tục tiên phong trong những dự án nghệ thuật, với mục đích nâng cao tiêu chuẩn quốc gia về giáo dục âm nhạc và lan tỏa tình yêu với âm nhạc đến tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trước kia, mọi người thường nghĩ âm nhạc là một bộ môn năng khiếu, quy nó về một thứ mà nếu không có điều kiện thì không nên học.” Trang muốn tìm hiểu vì sao nhạc cổ điển vẫn còn xa lạ với công chúng, hiểu được rồi thì làm thế nào để nhạc cổ điển trở thành món ăn tinh thần gần gũi hơn với công chúng.

Trong chín năm trở về Việt Nam, Trang đã thực hiện rất nhiều dự án: Nhật ký dương cầm, Beethoven A Fantasy, The Preludes, Lễ hội muông thú, Dàn hợp xướng kỳ diệu, Concert giữa rừng...

Năm 2015, Trang được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 30 gương mặt dưới 30 tuổi đáng chú ý nhất tại Việt Nam. Đầu năm 2018, cô được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music - Anh) cho những cống hiến tiêu biểu về âm nhạc chuyên nghiệp thế giới. Ngoài ra, Trang Trịnh còn tham gia nhiều buổi giảng dạy, truyền cảm hứng về âm nhạc cổ điển qua các buổi trò chuyện trên truyền hình quốc gia.

Quán quân Giải thưởng Cựu du học sinh Anh mang âm nhạc cổ điển chạm tới trái tim công chúng Việt ảnh 2

Trang Trịnh hướng dẫn các em thuộc Dàn Hợp xướng và Giao hưởng Kỳ diệu (Miracle Choir & Orchestra) cách chơi đàn. Ảnh: vietnamnows.

Đặc biệt trong năm 2013, cùng với chồng mình là nghệ sĩ opera Park Sung Min, Trang đã thành lập Dàn hợp xướng và giao hưởng Kỳ Diệu (Miracle Choir & Orchestra), tổ chức các lớp học âm nhạc hàng tuần cho gần 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội.

Những dự án của cô luôn hướng tới cộng đồng, nhất là những người yếu thế trong xã hội. Nó lặng lẽ, không ồn ào, phô trương nhưng đó là những câu chuyện âm nhạc đẹp được Trang tự tay viết những nốt nhạc đầu tiên. Bởi Trang tin vào sức mạnh của âm nhạc.

Khi về Việt Nam, tôi muốn làm gì đó cho những trẻ yếu thế. Tại sao các em không thể chơi nhạc cổ điển. Người sáng lập ra chương trình dành cho trẻ em chơi nhạc cụ miễn phí trên thế giới có nói: “Văn hóa dành cho người nghèo phải là văn hóa tốt nhất”, đó chính là điều giúp họ có sức mạnh tinh thần”.

Nhiều người cho rằng, trong một xã hội, nhất là với những người yếu thế, họ chỉ cần có đủ cuộc sống ăn no mặc ấm đã là tốt. Âm nhạc hay những món ăn tinh thần là thứ xa xỉ. Nhưng Trang không nghĩ vậy. Âm nhạc, cũng là một thức ăn bổ dưỡng không kém những thức ăn vật chất khác. Thậm chí, đôi khi, nó còn mang đến sự cứu rỗi.

Vào thời điểm Trang đạt giải quán quân của giải thưởng Study UK Alumni 2021-22, cô được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành & Nhà giáo dục của Học viện Âm nhạc VYMI (Vietnam Youth Music Institute), đối tác chiến lược của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam nhằm thiết lập các chương trình giáo dục âm nhạc sâu rộng cho cộng đồng.

Mới đây, Nghệ sĩ piano Trang Trịnh trở thành người Việt đầu tiên nhận học bổng Fulbright ngành Lãnh đạo nghệ thuật. Cô chia sẻ, cô được trao cơ hội học thạc sĩ Lãnh đạo nghệ thuật tại Đại học Nam California là bởi có "một câu chuyện minh bạch, chân thành" và "cam kết cống hiến cho cộng đồng".

Giải thưởng Cựu sinh viên Anh - Khi nốt nhạc mới được cất lên và lan tỏa

Trong năm 2022, Trang Trịnh đã giành vị trí quán quân giải thưởng Study UK Alumni 2021-22 - Giải thưởng vinh danh cựu du học sinh Anh ở hạng mục Văn hoá và Sáng tạo. Đây không chỉ là một dấu mốc quan trọng khẳng định cho quá trình dài phấn đấu trong sự nghiệp của Trang mà còn là minh chứng cho sứ mệnh bền bỉ mà cô cam kết theo đuổi, đó chính là giá trị cống hiến cho cộng đồng.

Quán quân Giải thưởng Cựu du học sinh Anh mang âm nhạc cổ điển chạm tới trái tim công chúng Việt ảnh 3

Concert giữa rừng của Nghệ sĩ Trang Trịnh.

Điều ý nghĩa nhất mà Giải thưởng Cựu sinh viên Anh mang lại cho tôi đó chính là tôi được ngồi suy nghĩ và nhìn lại khoảng thời gian theo học tại Vương quốc Anh. Khi mọi thứ được viết lại thành câu chữ thì tôi lại càng tin tưởng hơn vào những giá trị về nghệ thuật mà nước Anh đem tới cho mình” - Trang Trịnh chia sẻ.

Hơn hết, Giải thưởng chính là cơ hội để Trang nói lên câu chuyện về giáo dục của mình ở Vương quốc Anh và đặc biệt được truyền cảm hứng tới các bạn trẻ có đam mê với nghệ thuật đang loay hoay tìm định hướng cho bản thân. Vì biết đâu sau này các bạn chính là đồng nghiệp của Trang thì sao?

Nghệ sĩ Trang Trịnh nhấn mạnh rằng nếu các nghệ sĩ cổ điển hay người làm nghệ thuật đang có cùng chí hướng và cả giá trị về cộng đồng như cô, hy vọng tất cả mọi người đều có thể mở lòng để chia sẻ câu chuyện của mình, bởi “Mỗi con người đều có câu chuyện đáng để được nghe, như cách âm nhạc có thể chạm đến mọi người”.

Xem thông tin về Giải thưởng Cựu sinh viên Anh năm 2022-23: TẠI ĐÂY

MỚI - NÓNG