Quản lý để báo chí phát triển

Quản lý để báo chí phát triển
TP - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn vừa cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Quản lý và phát triển thông tin báo chí ở Việt Nam”.

Cuốn sách dày gần 300 trang do NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành, tập hợp một số bài viết, bài phát biểu trong quá trình công tác của tác giả. Sách được chia làm hai phần: Phần I: Báo chí dưới góc nhìn quản lý nhà nước. Phần II: Báo chí dưới góc nhìn người làm báo.

Cuốn sách cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn diện về thực trạng báo chí nước nhà, những vấn đề bức thiết đặt ra trong công tác quản lý, chỉ đạo và phát triển báo chí. Trong những năm qua, báo chí nước ta đã có sự phát triển toàn diện cả về số lượng cơ quan báo chí, chất lượng nội dung thông tin và đang ngày càng khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa , xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng mừng đạt được, sự phát triển của báo chí bộc lộ một số khuyết điểm, yếu kém: nhiều nhưng không mạnh; còn thông tin sai sự thật, thiếu chính xác, giật gân, Acâu khách, một chiều… Cùng với đó, hoạt động báo chí cũng gặp không ít khó khăn khi tiếp cận nguồn tin; việc cung cấp thông tin chưa được thực hiện nghiêm theo quy định hiện hành của pháp luật; cơ chế, chính sách chậm bổ sung, sửa đổi; công tác chỉ đạo, quản lý thông tin, báo chí còn chưa theo kịp tình hình…

Bằng những kinh nghiệm giàu thực tiễn qua gần 40 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, những vấn đề trên được nhà báo Đỗ Quý Doãn cắt nghĩa, lý giải và đưa ra những giải pháp hết sức thuyết phục trên tinh thần tạo điều kiện để thông tin báo chí phát triển nhưng vẫn bảo đảm quản lý tốt. Đặc biệt, trước sự phát triển bùng nổ, cạnh tranh của thông tin trên internet, ông nhấn mạnh “Không thể mang tư duy quản lý báo chí truyền thống áp dụng cho quản lý báo chí mới… Phải luôn xác định mối quan hệ, quản lý là tạo điều kiện cho phát triển chứ không bao giờ nghĩ mình không làm được thì chặn sự phát triển. Nhưng phát triển cũng phải trong phạm vi có thể quản lý được”. Ông cũng khuyến cáo báo chí truyền thống muốn phát triển tốt cần phải tận dụng lợi thế của truyền thông xã hội, biến “thù thành bạn”; bản thân các tòa soạn cũng phải thay đổi phương thức cung cấp thông tin và thông tin.    

MỚI - NÓNG