Quản lý an toàn thực phẩm: Không nghiêm khắc sẽ 'hòa cả làng'

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để xảy ra vi phạm vệ sinh ATTP thì người đứng đầu các đơn vị và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, để xảy ra vi phạm vệ sinh ATTP thì người đứng đầu các đơn vị và chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
TP - Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) sáng 27/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong quản lý. Bởi nếu không quy trách nhiệm người đứng đầu thì khó thành công trong cuộc chiến ngăn chặn thực phẩm bẩn.

Bao che, thông đồng vì lợi nhuận quá lớn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi gần đây về cơ bản đã được khống chế. Nguồn nhập khẩu và kinh doanh chất Salbutamol của các công ty dược đã được Bộ Y tế quản lý chặt chẽ hơn, đưa vào danh mục các chất quản lý đặc biệt. Các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã không còn sử dụng chất cấm. Đến thời điểm hiện tại, số vụ vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với các trang trại đã giảm đáng kể (tháng 1/2016 là 9,8%; tháng 2/2016 là 1,46%; tháng 3/2016 là 0,66%). Mức độ tồn dư các chất độc hại, chất cấm trong nhiều loại thực phẩm trong rau, thịt cũng đã giảm dần.

Không đồng tình với những con số “đẹp” được đề cập trong báo cáo, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng thẳng thắn nói: “Không tin”. “Số liệu các bộ ngành báo cáo làm tôi rất băn khoăn vì tình trạng vi phạm vệ sinh ATTP rất tràn lan, phổ biến mà nói tỷ lệ thực phẩm không an toàn chỉ mấy phần trăm và đều giảm dần thì tôi không thể tin”, ông Thăng nói.

Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa cũng cho rằng, ATTP đang rất bức xúc.  Theo ông Chiến, con người có 3 nhu cầu thiết yếu là ăn, uống và thở thì cả ba đều đang rất độc hại. “Ăn, uống, thở đều nguy hại như vậy thì chuyện ta là nước có ung thư nhiều nhất cũng dễ hiểu. Có nhiều vị lão thành ao ước chỉ mong được quay về thời xưa, ăn uống không còn phải sợ nữa”, ông Chiến than thở.

Phân tích nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, ông Đinh La Thăng cho rằng, do chưa quy được trách nhiệm trong quản lý. “Lâu nay các cơ quan quản lý không kỷ luật được ai cả, từ cấp quận huyện đến tỉnh thành, trong khi tình trạng vi phạm vẫn tràn lan. Không kỷ luật nên cả làng đều vui, ăn bẩn nhưng vẫn vui vì đã chết ngay ai đâu. Chỉ một vài vụ ngộ độc xảy ra, chưa thấm”, ông Thăng chua chát nói. 

Cũng theo ông Thăng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên có một phần từ việc bao che, thông đồng với người sản xuất, buôn bán thực phẩm bẩn vì lợi nhuận quá lớn. 

“Đối với các lò mổ, chẳng lẽ các cơ sở này hoạt động mà không ai biết? Nếu có một lò mổ trong khu dân cư thì âm thanh phát ra chắc hẳn phải ầm ầm lên chứ không thể nói cả làng xã, phường quận không ai biết được”, ông Thăng dẫn chứng và đề nghị, cần xử lý nghiêm trách nhiệm của các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc lộn xộn trong lĩnh vực quản lý ATTP hiện nay. Không để tình trạng nói là có sự phối hợp tốt nhưng nhu cầu sử dụng chất cấm chỉ 10kg nhưng lại cho nhập đến 10 tấn. “Nếu không nghiêm thì cuối cùng sẽ “hòa cả làng”, không ai chịu trách nhiệm”, ông Thăng nói.

Kiên quyết xử lý hình sự

Đề cập đến chế tài xử lý đối với các vi phạm trong bảo đảm vệ sinh ATTP, Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian qua đã thực hiện trên 150.000 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử phạt hàng chục tỷ đồng. Theo ông Chung cần phải có những chế tài xử lý mạnh hơn nữa để bảo đảm tính răn đe, giáo dục. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý, việc xử lý sai phạm của cán bộ. “Vừa qua chúng ta xử lý người dân, tổ chức sai phạm về ATTP nhưng chưa xử lý cán bộ để xảy ra sai phạm. Tới đây phải làm quyết liệt hơn việc xử lý này”, bà Tiến nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, các quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực ATTP hiện cũng đã rất nghiêm khắc. Đặc biệt, từ 1/7 tới đây, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi chính thức có hiệu lực, các hành vi vi phạm về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt tù đến 20 năm. 

“Hình phạt đó rất nặng nhưng cái chính là chúng ta có làm hay không”, ông Phát nói.  Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam khẳng định, khi Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực, lực lượng cảnh sát sẽ tập trung và kiên quyết xử lý hình sự các vụ việc nghiêm trọng. “Nếu chúng ta quán triệt thực hiện nghiêm túc, xử lý nghiêm vi phạm, chắc chắn sẽ tạo ra nhận thức mới, sự thay đổi mới trong công cuộc đấu tranh với tình trạng mất ATTP”, ông Nam nói.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, ATTP không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế. Do đó, cần phải có những biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân. 

Tuy nhiên, theo Thủ tướng, muốn tạo ra hiệu quả thì phải xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về ATTP. Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công. “Người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình. Để sản xuất buôn bán chất cấm trái phép thì ông chủ tịch phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu, các lực lượng chức năng khi thi hành pháp luật cần xử lý vi phạm ATTP ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm ATTP. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung quản lý có hiệu quả các loại thực phẩm tươi sống, gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tạo chuyển biến rõ nét.

Theo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), từ ngày 1/7/2016,  các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển, sản xuất, buôn bán hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối, lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi đều được coi là hành vi tội phạm, bị xử lý về hình sự với chế tài nghiêm khắc. Trong đó, phạm tội nghiêm trọng có thể bị phạt tù giam tới 20 năm. 

(trích báo cáo của Văn phòng Chính phủ)

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
Phó Chủ tịch Cần Thơ: Báo cáo hằng ngày nhưng 'gỡ hoài không ra'
TPO - Dù cố gắng dồn sức tháo gỡ ngay đầu năm, tháo gỡ cơ chế chính sách, làm cật lực nhưng quy mô nền kinh tế vẫn không tăng hơn nhiều so với các năm trước. Điều đó, cho thấy sự lớn mạnh của thành phố vẫn còn chậm, các bước nhịp chưa được nhanh, chưa có hoạt động đột phá để nâng cao giá trị…