Đề xuất 'mô hình 141' cho kiểm tra an toàn thực phẩm

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm. Ảnh: Vũ Sinh.
Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ và kinh doanh gia súc, gia cầm. Ảnh: Vũ Sinh.
TP - “Phường có một thanh tra xây dựng, nhưng chỗ nào đổ xe cát, ông ấy chạy đến phạt liền. Đằng này tới 5-7 người, ông chủ tịch phường làm trưởng đoàn thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP), tại sao không xử lý được”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói, tại buổi làm việc với Hà Nội về thí điểm thanh tra ATTP chiều 13/4.

Đội hình quá nhiều “vai”

Thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP ở các phường, xã, thị trấn, quận huyện (theo Quyết định 38/2015 của Thủ tướng) được kỳ vọng sẽ có những “cảnh sát” nắm bắt, xử lý ngay những vi phạm về ATTP.  Đây là “đội hình” với sự tham gia của cán bộ y tế, thú y, tư pháp, công an và một lãnh đạo UBND phường, xã đứng đầu.

Tuy nhiên, do kiêm nhiệm khá nhiều “vai” ở địa phương, khiến việc “toàn tâm” cho ATTP chưa được như kỳ vọng. Các thanh tra viên cũng chưa nắm vững các quy định, quy trình khiến khi xử lý vi phạm còn “run”, lộ nhiều bất cập. Ông Nguyễn Cảnh Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa)- phường tham gia thí điểm cho rằng: Vấn đề ATTP ở phường chủ yếu là thức ăn đường phố.

“Theo quy định, thanh tra viên có thể xử phạt 500.000 đồng trở xuống, nhưng phạt tại chỗ hay là đem về phường? Nếu đưa về phường, chắc phải mất vài ngày mới ra được quyết định. Chưa kể, một cơ sở nếu vi phạm nhiều hành vi, mức phạt có thể tới 10 triệu đồng, nhưng ông chủ tịch phường chỉ được phạt tối đa 5 triệu đồng”- ông Quang phân tích.

Chưa kể, các cơ sở kinh doanh vi phạm ATTP bất hợp tác với tổ thanh tra. Ông Quang nói: “Dù thông báo trước, nhưng lúc thanh tra, ông chủ cơ sở lại báo… đang nằm viện, thế là chịu rồi. Phó chủ tịch phường (thường làm tổ trưởng thanh tra) phải lo từ chuyện hành chính một cửa, dịch bệnh… và nhiều việc khác, nay thanh tra không được, đợi đến mai kia lại hỏng chuyện khác”.

Đề xuất 'mô hình 141' cho kiểm tra an toàn thực phẩm ảnh 1

Thanh tra an toàn thực phẩm phường Trung Liệt kiểm tra tại một cơ sở kinh doanh thực phẩm trên địa bàn ngày 13/4. Ảnh: Trần Nga.

Cũng là phường tham gia thí điểm, một phó chủ tịch phường Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm) cho biết, từ đầu năm đến nay, phường tổ chức 3 đợt thanh kiểm tra tại 8 cơ sở, và có tới 4 cơ sở vi phạm. Theo vị này, nhiệm vụ thanh tra phức tạp, nhiều quy trình hơn so với việc kiểm tra trước đây, trong khi “anh em chưa có nhiều kinh nghiệm”. “Tại các chợ cóc, buôn bán nhỏ lẻ… họ cũng chỉ bán mươi mớ rau, vài ba con gà, toàn hàng quen, việc kiểm tra ATTP dù biết là sạch, nhưng không có dấu, cũng lúng túng”- vị này nói.

Theo bà  Hà Thị Lê Nhung, Phó chủ tịch quận Đống Đa, quận này có 2 phường tham gia thí điểm (Trung Liệt và Láng Hạ), mỗi phường có 7 thanh tra viên, nhưng cũng chưa nắm hết các quy định vì “nhiều vai”. “Các anh ở phường kiêm nhiệm rất nhiều, không chỉ ATTP. Như phó chủ tịch quận còn được phân công phụ trách tới 30 chương trình, từ dịch bệnh, ATTP, đến văn nghệ…. Vì không chuyên, nên không thể đọc hết được các quy định”- bà Nhung nói.

Theo bà Nhung, theo quy định, chủ tịch quận phải đi kiểm tra 1 lần/tuần, phường 3 lần/tuần, “nhưng nói thật là tôi cũng bận, nên chỉ thực hiện được một lần/tháng”. “Ngoài ra, cần có hướng dẫn cụ thể về thanh tra đột xuất, độc lập thế nào. Các cơ sở sản xuất kinh doanh họ có hỗ trợ pháp lý, kể cả luật sư, nên làm thanh tra không vững, dễ bị kiện cáo”- bà Nhung nói.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, do mới triển khai, nên ban đầu thanh tra của Sở phải xuống phường, xã, thị trấn “cầm tay chỉ việc”. Theo ông, việc thanh, kiểm tra ATTP tại các phường, xã chủ yếu là tại các cơ sở nhỏ lẻ, chợ cóc, chợ tạm… rất khó xử lý; chưa kể bị ảnh hưởng bởi tâm lý “người quen”.

Ông Hạnh cho biết, thực tế, ở các nơi thí điểm, tổ thanh tra chỉ mới kiểm tra được các giấy tờ như: Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ATTP, cơ sở vật chất, trang thiết bị… Rất khó xác minh nguồn gốc thực phẩm. “Mớ rau đó có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không, miếng thịt đó có chứa chất cấm, kháng sinh thế nào, phải xét nghiệm mới biết được. Do vậy, phải tập huấn cho anh em lấy mẫu, trường hợp nào nghi ngờ là lấy mẫu luôn”- ông Hạnh nói.

Đề xuất 'mô hình 141' cho kiểm tra an toàn thực phẩm ảnh 2

Nhiều cơ sở kinh doanh gia  cầm không có nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Trần Nga.

“Mô hình 141” cho thực phẩm

Sau khi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở kinh doanh thực phẩm ở phường Trung Tự (Đống Đa) sáng 13/4, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, lực lượng thanh tra ATTP còn bất cập nhiều khâu.

Ông cho rằng, Hà Nội phải tập trung xử lý nhiều “điểm nóng” mất ATTP. “Những chợ đầu mối, như Long Biên, Ngã Tư Sở, Phùng Khoang… phải canh cửa ở đó. Xem hình ảnh tim bẩn biến màu bày bán, rồi lục phủ ngũ tạng ở Phùng Khoang, chắc không ai dám ăn... Việc đó, tại sao không làm, chính quyền có vào cuộc không”- ông Long nói.

Thứ trưởng Long cũng chỉ ra, Hà Nội cấm giết mổ gia cầm ở các chợ, nhưng đi chợ nào cũng có… “Những việc đó, các địa phương có biết không? Tôi kiểm tra thấy ông chủ tịch phường đọc vanh vách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm như vậy, thì anh nắm hết trong tay rồi còn gì. Vậy thì, kiểm tra, xử lý đi. Cái này Hà Nội phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương”-  ông Long nói.

Ông Long đánh giá cao mô hình “141” của công an Hà Nội về an ninh trật tự và đề nghị thành phố có thể áp dụng ngay mô hình này trong xử lý ATTP. Thứ trưởng nói: “Chúng tôi chỉ mong, thanh tra ATTP như một cảnh sát, thấy dấu hiệu vi phạm có thể xử lý ngay… Hiện nay, đúng là văn bản, quy định rất nhiều, nhưng rất cần làm thật, chứ thực tế không chuyển biến, người dân lo lắng lắm”.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, sẽ giao Sở Y tế triển khai mô hình “141” trong ATTP. Những cơ sở vi phạm sẽ cho đọc “ra rả” trên loa phường, cả sáng và chiều đến lúc “cay mũi” thì thôi. “Tôi chịu trách nhiệm việc này”, ông Sửu nói.

Theo ông Sửu, ngay trong tháng hành động vì ATTP năm nay (từ 15/4 đến 15/5), Hà Nội sẽ triển khai ở cả 30 quận, huyện. Với 58.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, sẽ lên kế hoạch kiểm tra hết trong năm nay. Đồng thời, Hà Nội sẽ nghiên cứu, sử dụng thiết bị kiểm tra nhanh ATTP trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch TP Hà Nội cũng cho rằng, lực lượng thanh tra ATTP phải thực hiện nhanh gọn, hiệu quả, đúng pháp luật, chứ phát hiện sai phạm rồi “đủng đỉnh báo cáo lên xã, phường là không được”. “Cứ sai phạm là lập biên bản, xử lý ngay, như bắt quả tang. Giống như bắt được ông ăn cắp móc ví, một người dân bình thường cũng có thể bắt tên ăn cắp ra phường được, chứ chưa nói là lực lượng thanh tra như các anh. Kiểm tra hàng gà, nếu không có đăng ký kinh doanh,  không đảm bảo an toàn, thì xử ngay chứ. Thế mới cải thiện được tình hình”-ông Sửu nói.  

10 phường, xã và 5 quận, huyện của Hà Nội tham gia thí điểm thanh tra ATTP: Phường Quán Thánh, Thành Công (quận Ba Đình); Trung Liệt, Láng Hạ (Đống Đa); Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2 (Nam Từ Liêm); xã Uy Nỗ, Kim Chung (huyện Đông Anh); thị trấn Thường Tín và xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín). Sau  4 tháng triển khai, số cơ sở được thanh, kiểm tra là 774, trong đó 249 cơ sở vi phạm về ATTP (chiếm trên 30%); phạt tiền gần 240 triệu đồng, đóng cửa 2 cơ sở.

MỚI - NÓNG