Quản gia Trung Quốc học phục vụ giới siêu giàu

Học viên tại một trường đào tạo quản gia.
Học viên tại một trường đào tạo quản gia.
TP - Do ảnh hưởng của loạt phim truyền hình Anh “Downton Abbey” rất được yêu thích ở Trung Quốc và tâm lý chuộng những thứ trông xa xỉ và có vẻ Tây, nhiều người giàu Trung Quốc đang chi tiền thuê những quản gia mặc đồng phục, đeo găng tay trắng, được đào tạo hoàn hảo và hiểu được mọi nhu cầu của họ.

Thìa ăn súp, dĩa cho món sa lát… chị Zhang Zhejing mãi không nhớ nổi cách đặt dao dĩa ở bên trái hay bên phải đĩa thức ăn. Chị cũng luôn quên đặt ly uống nước cạnh chai rượu – một lỗi nghiêm trọng sẽ không qua nổi mắt hai giám thị.

Là quần áo, đóng gói hành lý, nấu nướng và sắp bàn ăn theo phong cách Tây với dao, dĩa và thìa để thay đũa, là những kỹ năng mà các học viên phải làm trong bài kiểm tra cuối cùng tại Học viện quản gia quốc tế ở thành phố Thành Đô, miền nam Trung Quốc.

Chương trình kéo dài 6 tuần của học viện này nhằm trang bị cho học viên mọi kỹ năng phục vụ theo phong cách châu Âu mà mỗi quản gia phải biết để đưa phong cách phục vụ lên tiêu chuẩn cao nhất: từ tác phong lịch sự đến cách tổ chức các chuyến đi độc nhất. Những kỹ năng này là đòi hỏi mới của giới siêu giàu Trung Quốc đối với “ô-sin” mà họ sử dụng.

Là giáo viên tiếng Anh ở một trường trung học thuộc tỉnh Sơn Đông, chị Zhang, 38 tuổi, tham gia khóa học này để mở rộng hiểu biết của mình ra khỏi cái mà chị gọi là nghề ngõ cụt, khiến chị cảm thấy như thể “không bao giờ ra khỏi cổng trường”.

Nhu cầu thuê ô-sin cao cấp càng được kích thích bởi giới kinh doanh bất động sản. Muốn tạo khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, một số nhà kinh doanh bất động sản thuê quản gia trực ở showroom hay thậm chí cung cấp dịch vụ quản gia cho khách hàng mua biệt thự và căn hộ.

Người giúp việc và quản gia đóng vai trò lớn trong đời sống đô thị ở Trung Quốc, nhưng hiếm khi thấy những người phục vụ mặc đồng phục có thể đáp ứng mọi nhu cầu trong một gia đình. Ít nhất một công ty ở Bắc Kinh cung cấp nhóm khoảng chục quản gia có thể làm việc toàn thời gian để phục vụ các bữa tiệc hoặc đưa đón VIP ở sân bay.

Mở cửa từ tháng 7/2014, học viện ở Thành Đô là cơ sở liên kết giữa một trường đào tạo quản gia ở Hà Lan và một công ty bất động sản ở Thành Đô.

Giám đốc học viện, ông Christopher Noble, nói rằng những yếu tố văn hóa làm khó cho việc dạy kỹ năng quản gia ở Trung Quốc. Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960 và 1970 tìm cách loại bỏ bất kỳ quan niệm nào về tầng lớp cấp cao trong xã hội, nhưng nhiều thập kỷ thực hiện chính sách một con khiến nhiều người trẻ Trung Quốc đã quen với việc được cả gia đình nâng niu, chăm sóc. “Một trong những thách thức của chúng tôi với học viên là thuyết phục họ đặt người khác lên trước mình. Nói cách khác là phải nghĩ về hiệu trưởng của bạn, về sinh viên hoặc về người hướng dẫn... đặt cảm giác của họ lên trên cảm giác của mình”, ông Noble nói.

Hơi lúng túng khi sắp dụng cụ ăn trên bàn, nhưng chị Zhang lại làm tốt hơn việc chuẩn bị đồ dùng cho một chuyến đi gấp. Zhang có 1 giờ đồng hồ để là áo sơ mi, đánh giầy, chuẩn bị va li, dọn bàn, gấp khăn ăn theo 10 cách chỉ trong 3 phút và chuẩn bị bữa sáng. Zhang hoàn thành nhiệm vụ sớm 9 phút và được tốt nghiệp. Zhang nói rằng chồng chị không thích lựa chọn mới này của vợ vì coi đó là nghề “hầu người khác” chứ không phải công việc quản gia đang thay đổi từng ngày. “Tôi khá thích việc này vì nó đòi hỏi cao ở mọi khía cạnh. Ngày nào cũng có điều mới”, Zhang nói.

Theo Theo AP
MỚI - NÓNG