Rồng rắn đến bệnh viện
Tại Bệnh viện Quân y 175, trong ngày 6/7 có hàng nghìn người đến đăng ký xét nghiệm nhanh COVID-19. Dòng người xếp hàng dài cả trăm mét, từ khu vực lấy mẫu xét nghiệm ra đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp.
Do đó, bệnh viện phải mở cả khu vực khám sàng lọc và cổng lớn dành cho xe ô tô lưu thông để người dân xếp hàng chờ lấy mẫu. Nhân viên bệnh viện liên tục phát loa yêu cầu người dân giữ khoảng cách an toàn, tuân thủ quy tắc 5K, hạn chế giao tiếp tại khu vực chờ lấy mẫu.
Người dân xét nghiệm để lấy giấy xác nhận tại Bệnh viện 175 vào chiều 6/7. Ảnh: Ngô Bình |
Bác sĩ Trần Thị Hải Yến, Chủ nhiệm phòng khám tiền phương, Bệnh viện Quân y 175 cho biết, sau khi một số địa phương yêu cầu người lao động phải có xác nhận xét nghiệm COVID-19 với kết quả âm tính thì số lượng người đi làm xét nghiệm dịch vụ tăng gấp đôi.
Trung bình mỗi ngày bệnh viện làm xét nghiệm nhanh cho khoảng 3.000 người. Do nhu cầu của người dân tăng cao, Bệnh viện 175 đã mở rộng khu khám tầm soát, xét nghiệm dịch vụ để vừa sàng lọc bệnh nhân điều trị, vừa làm xét nghiệm nhanh để cung cấp giấy xác nhận.
Dù mở rộng các khu làm xét nghiệm nhanh nhưng hai ngày qua, Bệnh viện 175 luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng người có nhu cầu xét nghiệm quá lớn.
Tương tự, ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), do giáp ranh với Đồng Nai, Bình Dương nên nhu cầu người dân đến xét nghiệm để lấy “giấy thông hành” cũng tăng cao trong những ngày qua.
Bác sĩ Nguyễn Duy Tài, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, ba ngày qua, bệnh viện ghi nhận khoảng 2.000 người đến lấy mẫu xét nghiệm nhanh COVID-19, tăng gấp đôi so với những ngày trước đó.
Tương tự, tại các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn tỉnh Bình Dương dòng người ùn ùn đến xét nghiệm để có “giấy thông hành”, gây nên cảnh quá tải tại các đơn vị y tế.
Ngày 6/7, dù trời đổ mưa lớn nhưng người dân ở Bình Dương vẫn đứng xếp hàng chờ đến lượt để được xét nghiệm tại các phòng khám trên địa bàn TP Thủ Dầu Một và TP Thuận An.
Anh L.Q.T. làm việc ở Bình Dương nhưng con cái ở với bà nội tại Bình Phước. Để về thăm con mỗi tuần, anh T. phải đi xét nghiệm để có giấy xác nhận âm tính. Giá mỗi lần xét nghiệm nhanh COVID-19 ở phòng khám Medic là 400.000 đồng.
Trong khi đó, chị Ng.T.L. làm việc ở TP Thủ Dầu Một nhà ở TP Dĩ An cũng phải xếp hàng xét nghiệm ở phòng khám H. (quốc lộ 13) với giá 450.000 đồng/lượt.
Loạn giá
Ghi nhận của PV Tiền Phong cho thấy, các điểm xét nghiệm ở Bình Dương không có sự đồng nhất về giá. Tại Bệnh viện Đa khoa Vạn Phúc 2, giá mỗi lần xét nghiệm nhanh là 350.000 đồng. Bệnh viện Đa khoa Medic Bình Dương từ 200-400.000 đồng/lượt tùy theo mục đích xét nghiệm. Còn tại Trung tâm Y tế huyện Bàu Bàng có giá xét nghiệm 200.000 đồng/lượt.
Người dân ở Bình Dương đội mưa chờ xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Hương Chi |
Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương triển khai xét nghiệm trên diện rộng với khoảng 1 triệu dân với hình thức miễn phí. “Còn với các trường hợp di chuyển đến địa phương khác muốn có kết quả xét nghiệm, có thể đến các cơ sở y tế công lập. Mức giá dịch vụ hỗ trợ thấp nhất, khoảng 200.000 đồng/lượt.
Ngoài ra, các bệnh viện, phòng khám tư cũng có chức năng xét nghiệm giá sẽ cao hơn, nhưng không quá 500.000 đồng/lượt”, vị này nói.
Anh Lại Mạnh Hùng, nhà ở Long Thành, Đồng Nai hằng ngày lên TPHCM làm việc. Khi nghe có quy định bắt đầu từ 0h ngày 5/7, phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 mới được trở về Đồng Nai, anh Hùng đã chạy nhiều nơi để có được tấm giấy thông hành. Từ sáng sớm ngày 4/7, anh Hùng đến Trung tâm y tế huyện Long Thành (Đồng Nai) thì hết mẫu xét nghiệm nhanh; lên Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Thành lúc 10h thì chứng kiến cảnh hàng trăm người chen chúc xếp hàng nên anh phải chạy lên TPHCM.
Thế nhưng, các địa điểm xét nghiệm ở TPHCM cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Mới 9h mà Bệnh viện Lê Văn Thịnh đã không phát số test nhanh COVID-19 nữa. Anh Hùng qua Bệnh viện Vinmec để xin xét nghiệm thì nhận được câu trả lời, phải sáng hôm sau mới tiếp tục nhận và đặt lịch hẹn trước vì quá đông.
Sau hàng chục cuộc điện thoại gọi các địa chỉ xét nghiệm, anh Hùng đến Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ (Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TPHCM) làm xét nghiệm nhanh. Từ khi lấy mẫu đến lúc có giấy xác nhận mất gần 2 giờ. Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ thu của anh Hùng 338 ngàn đồng, trong đó 100 ngàn là dịch vụ lấy mẫu bệnh phẩm, 238 ngàn còn lại là phí xét nghiệm.
Anh Phùng Sơn (TP Thủ Đức, TPHCM) phải thường xuyên di chuyển đến Bình Dương, Đồng Nai để làm việc nên đến Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc xét nghiệm nhanh COVID-19. Anh Sơn cho biết rất bất ngờ khi bệnh viện này thu 430.000 đồng cho 1 lần xét nghiệm nhanh và hơn 2 triệu đồng cho 1 lần xét nghiệm PCR.
Tốn kém
Công ty TNHH Freetrend A (Khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức) có khoảng 5.000 công nhân đang cư ngụ hoặc ở trọ tại TP Dĩ An, Đồng Nai. Công ty này cho biết, đã mời các bệnh viện về xét nghiệm nhanh cho công nhân và công ty trả phí nhưng tình hình này không thể kéo dài vì chi phí quá cao.
Tương tự, Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn (Khu công nghiệp Cát Lái, TP Thủ Đức), cho biết công ty có 100 lao động ở Đồng Nai. Nếu mỗi lần xét nghiệm nhanh COVID-19 giá 350.000 đồng/người thì công ty phải tốn phí xét nghiệm 35 triệu đồng/lần. Mỗi tháng phải chi 140 triệu đồng tiền xét nghiệm thì quá tốn kém.