Quá tải trường học gần khu công nghiệp

Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân phải bố trí nhiều lớp 40 học sinh/phòng trong điều kiện nóng bức. Ảnh: Đào Phan
Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân phải bố trí nhiều lớp 40 học sinh/phòng trong điều kiện nóng bức. Ảnh: Đào Phan
TP - Thiếu phòng học, phòng hội đồng, phòng giáo viên, phòng chức năng... phải nhường làm lớp học đang là thực trạng chung diễn ra tại nhiều trường thuộc các xã vùng Đông (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) gần 5 năm nay.

Từ ngày 10/5/2016, trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) thông báo nhận hồ sơ tuyển sinh vào lớp 1. Những ngày liên tiếp sau đó, nhiều phụ huynh là các công nhân đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp thuộc khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc phải xếp hàng dài từ sáng sớm với hy vọng xin cho con được một chân vào học. Nhiều phụ huynh gác công việc đến trường xếp hàng dài xin cho con học nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 1 của trường năm học tới là 140 em. Trong khi nhà trường chỉ nhận hồ sơ con em có hộ khẩu tại địa phương rồi mới tính đến hộ sơ tạm trú.

“Mấy năm qua, vì thương hoàn cảnh của các phụ huynh nên khi họ đến xin cho con học, trường không nỡ chối. Họ cũng vì mưu sinh, lo cho con. Bỏ thì thương, vương thì nặng vì thế cứ đến mùa tuyển sinh là chúng tôi rất trăn trở”.

  Cô Phạm Thị Diệu, 

Hiệu trưởng 

trường tiểu học 

Lê Hồng Phong

Thầy Lưu Cúc, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:  Số con em xin đăng ký nhập học vào các trường trên địa bàn không ngừng tăng lên từ khi các xí nghiệp, công ty xây dựng trên địa bàn. Năm học 2015-2016 trường Tiểu  học Phan Ngọc Nhân có 674 học sinh, chia làm 19 lớp học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường chỉ đáp ứng được 15 phòng. Thiếu 5 phòng học, nhà trường không còn cách nào khác ngoài việc “nhét” mỗi lớp trên 37 học sinh, thậm chí có lớp 39 - 40 em trong diện tích phòng chỉ hơn 50 m2. Để đảm bảo việc dạy và học, nhà trường đành phải bố trí cho học sinh học hai buổi/ngày tại các phòng chức năng âm nhạc, tin học. Theo dự kiến, đến năm học 2017 – 2018, trường sẽ tăng thêm 3 lớp nữa. Tuy nhiên, do dân số cơ học đang tăng nhanh nên khả năng đáp ứng nhu cầu dạy học rất khó. 

Cùng cảnh, từ hai năm nay, trường tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang phải đau đầu trước áp lực quá tải học sinh. Cô Phạm Thị Diệu, Hiệu trưởng cho biết, từ năm 2012 đến nay, số lượng học sinh  tăng gần 200 em. Dự kiến, năm học tới trường tăng thêm 2 lớp. Trong số này, quá một nửa là con em công nhân ở khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc.

Theo cô Diệu, trường tiểu học Lê Hồng Phong có 28 lớp, với tổng số 847 học sinh nhưng chỉ có 18 phòng học, số phòng học còn lại, trường dồn phòng đội, phòng chức năng lại với nhau hoặc tổ chức dạy trong phòng chức năng. Thậm chí, phòng giáo viên cũng đành chia làm đôi, một nửa dạy học, nửa còn lại là phòng sinh hoạt, hội họp của 50 giáo viên.  Để đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày. Các khối 4, 5 phải học thêm vào thứ bảy.

Sẽ xây mới 200 phòng trong 5 năm

Không chỉ ở bậc tiểu học, thực trạng quá tải học sinh, thiếu phòng học diễn ra ở hầu hết các cấp Mầm non và THCS của vùng Đông thị xã Điện Bàn.

Trường THCS Võ Như Hưng xây dựng từ năm 1990 đã xuống cấp, các hạng mục kính, hành lang sau thời gian dài sử dụng bị vỡ, gỉ sét. Nhưng theo lãnh đạo nhà trường, vấn đề quá tải mới là bài toán nan giải hàng đầu. Trường đóng trên địa bàn phường Điện Nam Trung nhưng phục vụ việc học tập cho con em 3 phường gồm Điện Nam Bắc, Điện Nam Đông và Điện Nam Trung. Thầy Nguyễn Khắc Hùng, Hiệu trưởng nhà trường dự kiến năm học 2016-2017, trường sẽ tăng lên 30 lớp. Năm 2017-2018 sẽ tăng lên 32 lớp.

Trước thực trạng trên, trường đã nhiều lần đề xuất lên Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn để xin xây thêm phòng học, đất đã có tuy nhiên đều vướng kinh phí. Cô Phạm Thị Diệu cho biết, theo đề án giáo dục của Phòng GD&ĐT thị xã Điện Bàn thì trong năm học tới, trường Tiểu học Lê Hồng Phong sẽ được đầu tư xây mới thêm 6 phòng học. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa rõ có kịp hoàn thành để giúp trường giải quyết bài toán quá tải hay không. Và nếu có kịp, vẫn còn thiếu 4 phòng.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch thị xã Điện Bàn cho biết, thực trạng quá tải diễn ra khoảng 5 năm trở lại đây. Trong giai đoạn từ năm 2010-2015, thị xã Điện Bàn đã xây dựng 100 phòng học, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dạy học tại các trường. Trong đề án trung hạn giai đoạn 2015-2020,  Điện Bàn đề ra kế hoạch trong vòng 5 năm tới sẽ thành lập thêm một số trường, xây dựng thêm 200 phòng học ở các cấp tiểu học và THCS.

MỚI - NÓNG