PVcomBank: Lật trang mới tái cơ cấu toàn diện

PVcomBank tạo lập nền tảng bền vững cho hành trình tương lai.
PVcomBank tạo lập nền tảng bền vững cho hành trình tương lai.
TP - Giai đoạn 1 tái cơ cấu Ngân hàng cổ phần Thương mại Đại chúng (PVcomBank) đã kết thúc với điểm nhấn giữ ổn định ngân hàng, đạt một số mục tiêu cơ bản đề ra. Sau bước xây móng chắc, tiếp theo sẽ là xây thành - mở ra thời kỳ mới tái cơ cấu toàn diện, hứa hẹn nhiều bứt phá của PVcomBank!

Hoàn tất giai đoạn 1

PVcomBank là thương hiệu còn khá mới, bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ tháng 9/2013, qua hợp nhất Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) với Ngân hàng Phương Tây (Western Bank). Chính vì thế, xây dựng, quảng bá thương hiệu, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng cá nhân, là hướng ưu tiên của PVcomBank trong xây dựng các giá trị nền tảng.

Nhìn lại chặng đường gần 3 năm thực hiện tái cơ cấu, đến nay PvcomBank đã đạt được một số kết quả nổi bật như: Tổng tài sản của PVcomBank theo báo cáo tài chính kiểm toán tại 31/12/2015 là 98.629 tỷ đồng, đứng thứ 12/30 về quy mô tổng tài sản trong hệ thống các NHTMCP (ngoại trừ các Ngân hàng Thương mại do nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ), trong đó dư nợ tín dụng đạt 40.169 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,96% so với tổng dư nợ cấp tín dụng.

Trên cơ sở đó, PVcomBank đã xử lý được những bất cập lớn của WTB trước đây như: Thực hiện tái cơ cấu cổ đông WTB cũ nhằm yêu cầu các cổ động hiện tại thực hiện hoàn trả các khoản nợ liên quan đang vay tại PvcomBank; Cải thiện thanh khoản, thông qua việc nắm giữ các tài sản có tính chuyển đổi cao như trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN, trong đó huy động vốn từ dân cư tiếp tục tăng trưởng ổn định; Cải thiện về tổ chức bộ máy và nhân sự các cấp, hệ thống công nghệ thông tin, hệ thống quản trị rủi ro...

Xây thương hiệu độc quyền

Ngày 4/1/2015, cụm cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, ga hàng không quốc tế T2 được khánh thành. Hàng nghìn người dân đổ về cầu Nhật Tân chen chân dự khán. Cũng trên cây cầu dây văng này, hai bên đường xuất hiện đồng loạt những tấm biển hiệu độc quyền hình ảnh của PvcomBank. Sự hiện diện bất ngờ với nhiều “ông lớn” ngân hàng, bởi dù không nói ra, thì có khá nhiều nhà băng cũng ao ước vị trí độc tôn này. Nhưng ít người biết, để có được sự độc quyền này, PvcomBank phải nhìn xa trông rộng và “đặt gạch” trước đó hàng năm trời; thậm chí ngay từ những ngày đầu cây cầu đang gây dựng hình hài.

Gần đây nhất, vào tháng 2/2016, thương hiệu PVcomBank chính thức xuất hiện tại mặt sau Boarding Pass (vé lên máy bay) của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Vietnam Airlines. Theo thoả thuận, PVcomBank đã trở thành đối tác, được độc quyền khai thác tài nguyên khoảng trống ở mặt sau trên tất cả các tấm vé của mọi chuyến bay nội địa và quốc tế của Vietnam Airlines, qua đó tăng cường tiếp cận khách hàng và phát triển thương hiệu. Với khoảng 15-16 triệu lượng vé của Vietnam Airlines mỗi năm, PVcomBank có thêm cơ hội để được gần các khách hàng tiềm năng hơn. Sự xuất hiện bất ngờ này lại cũng ít ai ngờ là kết quả của hai năm đàm phán để PVcomBank với Vietnam Airlines có được cái bắt tay này...

Bước sang tái cơ cấu toàn diện

Hơn 2 năm kể từ ngày thành lập, bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh, Ban Lãnh đạo Ngân hàng  PVcomBank cũng xác định: cần tập trung vào việc tái cấu trúc Ngân hàng, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu theo Đề án hợp nhất PVFC và WTB (Đề án tái cơ cấu giai đoạn 1) đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phê duyệt.

PVcomBank: Lật trang mới tái cơ cấu toàn diện ảnh 1

Hình ảnh PVcomBank trên Boarding Pass của Vietnam Airlines.

Theo đó, PVcomBank đã xử lý được những bất cập lớn của WTB trước đây...Cuối năm 2013, PVcomBank đã làm việc với đơn vị tư vấn Ngân hàng hàng đầu của Mỹ (BCG) để xác định Chiến lược kinh doanh và phát triển dài hạn của Ngân hàng với mục tiêu trở thành 1 trong 7 Ngân hàng hàng đầu của Việt Nam về quy mô tài sản vào năm 2020.  Để đạt được mục tiêu chiến lược nêu trên, Ban lãnh đạo Ngân hàng cũng xác định nhiệm vụ tái cơ cấu PVcomBank là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Vì vậy, trên cơ sở những kết quả đạt được tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 1, Ngân hàng tiếp tục chủ động xây dựng “Đề án tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2016-2020” (Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2) trình Chính phủ và NHNN phê duyệt .

Đến tháng 6/2016, Thủ tướng Chính phủ và NHNN đã ghi nhận những kết quả đạt được tại Đề án tái cơ cấu cơ giai đoạn 1 và chính thức phê duyệt Đề án tái cơ cấu PVcomBank giai đoạn 2 (2016-2020). Các mục tiêu tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2 của PVcomBank bao gồm: bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR >9%), tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn hoạt động của Ngân hàng. PVcomBank sẽ tập trung nguồn lực để xử lý triệt để các tồn tại và tái cấu trúc toàn diện danh mục tài sản, đảm bảo Ngân hàng có kết cấu tài sản an toàn bền vững.

Theo chiến lược tư vấn của BCG và theo kế hoạch dự kiến, từ quy mô mạng lưới trong 2015 có 109 CN/ PGD, PvcomBank dự kiến trong 2016 ước đạt 135 CN/PGD, hết 2017 ước đạt 151 CN/PGD, hết 2018 ước đạt 170 CN/PGD, hết 2019 ước đạt 184 CN/PGD và hết 2020, PVcomBank dự kiến đạt con số 200 CN/PGD toàn hệ thống.

MỚI - NÓNG