Thầy rắn Tư Dược

Thầy rắn Tư Dược
TP - Thầy rắn Tư Dược nguyên là Giám đốc Trại nuôi rắn Đồng Tâm (xã Bình Đức, Châu Thành, Tiền Giang) là một trong những huyền thoại về chữa bệnh rắn cắn nổi tiếng khắp vùng với rất nhiều chuyện cứu sống người đã chết do rắn hổ chúa cắn…
Thầy rắn Tư Dược ảnh 1
 Anh Trần Thiện Tín - con trai trưởng của Thầy rắn Tư Dược

Nhân dân vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Đồng Tháp) còn lưu truyền câu chuyện vào thời chiến tranh chống Mỹ: Trong vùng căn cứ Đồng Tháp Mười có một thầy rắn rất nổi tiếng tên S.

Một bữa có một cô gái còn rất trẻ và xinh đẹp trên đường đến gần nhà thầy S. bị rắn cắn ngã lăn quay. Mọi người khiêng đến đặt trước sân nhà van xin thầy cứu giúp. Sau khi xem xét vết cắn, thầy phán:

- Rắn hổ mang bành cắn, chết rồi, mang về chôn đi, không cứu được.

Trong lúc người nhà cô gái khóc lóc thảm thiết, quấn chiếu định mang đi chôn thì tình cờ y sĩ quân y Trần Văn Dược (Tư Dược) đi công tác ngang qua, hỏi thăm sự việc. Sau khi biết thời gian cô gái bị rắn cắn chết chưa được bao lâu, Tư Dược bắt mạch và đề nghị dừng việc chôn cất. Bằng kinh nghiệm và hiểu biết riêng, Tư Dược đi tìm một nắm lá về giã nhuyễn lấy nước cạy miệng cô gái trẻ đổ vào.

Không bao lâu, cô gái thở và từ từ tỉnh dậy trước sự kinh ngạc của mọi người. “Thần y” Tư Dược đã cứu sống cô gái trẻ, đã làm rúng động nhân dân trong vùng và đến tai thầy rắn S. Ông này nổi giận quát:

- Giỏi gì, chẳng qua là may! Cứu cô gái trẻ về làm vợ nên được bề trên độ ấy mà.

Nghe tin, Tư Dược cười cười rồi tìm đến bảo với thầy rắn:

- Nọc độc rắn hổ phát tán trong vòng 12 giờ mới làm chết người. Nếu sau một hai giờ thì mới chết lâm sàng, vẫn cứu được, sao thầy bảo chôn? Đâu phải hổ chúa cắn mà chết liền.

Là một chiến sĩ cách mạng, hành nghề y, đã có gia đình vợ con, Tư Dược bật cười trước thái độ thiếu y đức của thầy rắn nên nói luôn:

- Nếu thầy không phục, chiều nay tôi trở lại nhà thầy chứng minh cho coi.

Buổi chiều hôm đó, nhân dân tụ tập đầy khu vườn nhà thầy rắn đợi anh bộ đội quân y Tư Dược trổ tài.

Đến hẹn, Tư Dược đến nhà thầy rắn và nói với mọi người:

- Cô gái trẻ hôm qua trên đường tới nhà thầy rắn, lúc ngang qua gốc dừa kia, bị rắn hổ mang bành dài khoảng một mét hai cắn ngã lăn tại chỗ.

Để chứng minh điều vừa nói, Tư Dược huýt sáo với âm thanh vi vu, réo rắt gọi rắn. Thế là từ trong hốc đen ngòm của gốc dừa, con rắn hổ mang bò trườn ra, ngóc đầu nhìn. Mọi người ồ lên kinh ngạc, Tư Dược huýt sáo và phất tay xua rắn đi nơi khác.

Thầy rắn S, đứng chết trân như trời trồng vì kinh ngạc lẫn thán phục sát đất “thần y” còn rất trẻ.

Kể từ dạo đó, tiếng tăm thầy rắn Tư Dược đồn đại khắp vùng sông nước Đồng Tháp Mười, nơi lúc nhúc rắn bò vào mùa nước nổi.

Tiếng đồn về thầy Tư Dược, huýt gió gọi rắn hổ ra khỏi hang, biết rắn gì, nằm ở đâu và cứu người chết sống lại cứ thế lan truyền khắp đồng bằng.

Mãi về sau này, khi lập ra trại nuôi rắn và nghiên cứu dược liệu Đồng Tâm, người dân trong vùng khi bị rắn độc cắn, chỉ cần đưa đến Trại rắn Đồng Tâm gặp thầy Tư Dược thì cầm chắc mạng sống.

Sinh nghề, tử nghiệp

Thầy rắn Tư Dược ảnh 2
Rắn hổ mang bành (minh họa)

Một buổi sáng đầu tháng 4, chúng tôi tìm đến nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang để viếng mộ “thần y” chữa bệnh rắn cắn nổi tiếng Nam Bộ. Ngôi mộ nằm bên phải khu vực đài tưởng niệm, bên cạnh có hàng hoa sứ trắng rất đẹp, mộ bia ghi đơn giản mấy dòng: “Đồng chí Trần Văn Dược, sinh năm 1929.  Quê quán: Tuyên Thạnh, Một Hóa, Long An. Chức vụ: Đại tá – Phó Chủ nhiệm Phòng Quân y Quân khu 9. Từ trần ngày 19/07/1988”.

Dòng chữ ghi trên mộ chí đã khiến tôi không khỏi liên tưởng: Ông sinh vào năm Kỷ Tỵ (con rắn) và mất cũng đúng năm Kỷ Tỵ tròn 60 năm sau. Có thể vì sự ngẫu nhiên này mà đã có rất nhiều giai thoại đồn đại về ông pha màu sắc thần bí, ly kỳ.

Bên cạnh dòng sông Tiền thơ mộng, tôi cùng anh Trần Thiện Tín (sinh năm 1954) là con trai trưởng của thầy rắn Tư Dược, hiện là Phó phòng Thanh tra Sở LĐTB&XH Tiền Giang chuyện trò tìm hiểu về ông.

Theo anh Tín, nghề chữa trị rắn cắn của ba anh là một nghề gia truyền. Theo những gì anh biết thì ông cố anh là người dân miền Trung đã hành nghề chữa bệnh rắn cắn, sau đó truyền lại cho nội anh và ba anh là người được nội truyền nghề.

Ngay từ nhỏ, ba anh đã học nghề bắt rắn và tìm hiểu cách lấy nọc, cách chữa trị khi rắn cắn bằng những cây thuốc, lá cỏ trong dân gian. Đến khi tham gia kháng chiến, làm nghề quân y ba anh càng có thêm cơ hội tìm hiểu nghiên cứu về nọc độc của rắn nhằm chữa trị cho bộ đội, nhân dân trong vùng Đồng Tháp Mười.

Năm 1954, ông cùng đồng đội lên đường tập kết ra Bắc, mẹ anh khi đó là bà Phạm Thị Tranh (sinh năm 1932) mang thai anh Tín. Bà Tranh hiện đang sống cùng hai người con ở huyện Cái Bè.

Khi ra đến Hải Phòng không bao lâu, ông Dược được tổ chức phân công về Nam công tác tại Huyện ủy Cái Bè. Anh Tín sinh non 2 tháng người quắt queo, còi cọc do điều kiện trong chiến khu rất thiếu thốn, khó khăn.

Cuộc đời Đại tá Trần Văn Dược còn có chuyện rất cảm động qua lời kể của anh Tín: Đó là ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đúng 21 năm ông mới trả lại quê thăm gia đình, mặc dù suốt gần ấy thời gian ông chiến đấu, chữa bệnh ngay trong vùng Đồng Tháp Mười mà vẫn bặt tin nhà. Giữa trưa, khi ông về đến ngôi nhà cũ đã sinh ra mình thì đúng vào lúc ba ông đang hấp hối trên giường, như một linh cảm chờ đợi ngày độc lập và chờ đợi con trai về sau 21 năm đằng đẵng bặt tin. Cha con chỉ kịp nhận ra nhau thì cụ trút hơi thở sau cùng.

Còn anh Tín, cha con ở cùng huyện nhưng vẫn chưa một lần gặp nhau. Lúc ông Tư Dược về lại TP Mỹ Tho tiếp quản, hỏi thăm con trai đang là chiến sĩ trinh sát Cục Hậu cần Quân khu 8 cũ, đang truy kích tàn binh địch tháo chạy ở Vĩnh Long chưa về.

Gia đình “Thần y” Tư Dược có 4 người con, ba trai một gái. Anh út Trần Văn Dũng – Nguyên là Chủ tịch TP Mỹ Tho, sinh năm 1967 hiện đang tại Học viện Chính trị Hồ Chí Minh. Chị Trần Thị Thanh Nga hiện đang sống ở Cái Bè.

Trại rắn Đồng Tâm ngày nay, tiền thân là Xí nghiệp 408, có diện tích 12 ha, nằm trong khu vực căn cứ Đồng Tâm cũ của địch trước đây. Ngày nay, Trại rắn Đồng Tâm không chỉ là một địa điểm du lịch tham quan nổi tiếng mà còn là một bảo tàng rắn “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với hơn 1.000 loài rắn các loại, trong số này có hơn 100 con hổ mang chúa nuôi lấy nọc.

Đến năm 1988, xí nghiệp  được nâng cấp lên thành Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9. Năm 2005, Trung tâm được Bộ Quốc phòng đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng Khoa Cấp cứu rắn độc, nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ nghiên cứu và điều trị nội trú cho bệnh nhân trong vùng bị rắn độc cắn. Tính từ ngày thành lập đến nay, đã có trên 10.000 người bị rắn độc cắn đã được Trung tâm  cứu chữa thoát chết trong gang tấc. Bình quân mỗi năm có khoảng 500 ca cấp cứu do rắn độc cắn được Trung tâm tiếp nhận điều trị.

Dự án phát triển Trung tâm nuôi rắn lấy dược liệu chữa trị rắn cắn phục vụ cho quân dân đồng bằng sông Cửu Long là đề tài mà Đại tá Trần Văn Dược dày công nghiên cứu ấp ủ lúc sinh thời. Tiếc thay khi mọi chuyện sắp thành sự thật thì ông đột ngột qua đời.

Về cái chết của ông cũng có khá nhiều giai thoại về cuộc đời “sinh nghề tử nghiệp”. Chính ông là bậc thầy bắt rắn và chữa trị rắn cắn tại Trại rắn Đồng Tâm nhưng rồi ông mất cũng vì rắn cắn. Rồi có người còn loan truyền đây là con rắn cặp hổ chúa mà ông bắt từ Đồng Tháp Mười, một con còn lại theo xuống đây trả thù…

Về việc này, anh Trần Thiện Tín nói: “Không hề có chuyện như mọi người thêu dệt đâu. Ba tôi là người rất giỏi về bắt rắn, có thể gọi rắn, biết rắn ở đâu, biết nuôi rắn, lấy nọc độc để nghiên cứu khoa học về huyết thanh chữa trị bệnh rắn cắn.

Năm 1988, khi đang dạy một lớp quân y tại trại rắn về cách chữa trị rắn cắn, sáng đó thức dậy tập thể dục, ba tôi bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Sau đó ông được đưa lên Viện quân đội 175 (TPHCM) cấp cứu, đến chiều thì mất. Chính vì thế mà mọi người nghi ba tôi bị rắn cắn. Cũng do ba tôi sinh năm Kỷ Tỵ (con Rắn) và mất đúng năm Kỷ Tỵ tròn 60 tuổi nên có nhiều chuyện dân gian họ nói vậy mà”.

- Sao không có ai theo nghề của ông?

Anh Trần Thiện Tín cười cười:

- Lúc sinh thời ba tôi không hề nói chuyện truyền nghề hay theo nghề. Nhưng khi ông mất, còn một cái tủ riêng đựng tài liệu của ba tôi dày công nghiên cứu về các loại rắn… Mấy anh em định đến lúc nào đó sẽ mở ra coi còn gì ba dặn dò trong đó không.

Được biết, vào năm 1990 – 1991, anh Tín từng nuôi trên 2.000 con rắn, anh cũng biết cách bắt rắn hổ và chữa trị rắn cắn rất tài. Duyên nợ với nghề nuôi rắn còn nặng với anh lắm: ba vợ anh là ông Lý Văn Kiên (Ba Kiên) – Nguyên giám đốc Trại rắn Đồng Tâm (hiện nghỉ hưu) là người kế tục Tư Dược làm giám đốc khi ông được điều về công tác tại Phòng Quân y Quân khu 9.

Biết đâu đấy, một ngày kia anh lại theo nghiệp của Thầy rắn Tư Dược cứu người?

MỚI - NÓNG