1/1/2007: Bãi bỏ pháp lệnh lao động công ích

1/1/2007: Bãi bỏ pháp lệnh lao động công ích
TP - Sáng qua (27/3), tại phiên họp thứ 38, ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã biểu quyết với 100% ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ về việc bãi bỏ Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích kể từ 1/1/2007.

UBTVQH sẽ ra Nghị quyết chấm dứt thực hiện Pháp lệnh này kể từ ngày 1/1/2007 và yêu cầu rà soát các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan để sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp và đáp ứng được đòi hỏi của các trường hợp  cấp thiết cần sử dụng lao động công ích.

Đây là lần đầu tiên bãi bỏ một pháp lệnh ở nước ta.

Theo tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích (được UBTVQH khóa X thông qua ngày 3/9/1999 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2000) sau 6 năm triển khai, đến nay đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Mục đích của Pháp lệnh là huy động người lao động trực tiếp đi làm việc công ích là chủ yếu, việc đóng thay bằng tiền rất hạn chế, song thực tế tình hình thi hành pháp lệnh ở hầu hết địa phương lại chủ yếu huy động bằng tiền là sai mục đích và mất đi ý nghĩa của lao động công ích.

Việc huy động bằng tiền đã biến nghĩa vụ lao động công ích trở thành “một dạng thuế”. Huy động nghĩa vụ lao động công ích đã tăng thêm khoản đóng góp của người dân, trong khi người dân phải đóng góp quá nhiều khoản nhất là ở nông thôn, vùng khó khăn (người dân hiện trung bình đóng góp 20 khoản).

Việc bãi bỏ pháp lệnh này đồng nghĩa với việc công dân sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ lao động công ích thường xuyên hàng năm, còn  nghĩa vụ lao động công ích  trong những trường hợp cấp thiết khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh vẫn thực hiện theo các luật chuyên ngành như Luật đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão...

Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về Dự án Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Dự thảo Luật quy định doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp), phải trực tiếp tổ chức, quản lý (chỉ riêng hoạt động dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động thì doanh nghiệp mới được liên kết)...

Ngoài ra, doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ cho không quá hai chi nhánh có đủ các điều kiện thực hiện một số nội dung trong hoạt động của mình; chi nhánh của doanh nghiệp không được ký hợp đồng cung ứng lao động và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, không được thu phí dịch vụ, phí môi giới và tiền ký quỹ của người lao động.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật do Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng: “Có ý kiến đề nghị trong luật cần bổ sung thêm quy định về ngành nghề đặc biệt độc hại, nguy hiểm, có ảnh hưởng đến tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người lao động Việt Nam mà các tổ chức, doanh nghiệp không được phép đưa người lao động ra nước ngoài làm việc...”.

MỚI - NÓNG