Đặng Thị Tèo và những cuộc ma-ra-tông cuộc đời

Đặng Thị Tèo và những cuộc ma-ra-tông cuộc đời
TP - Đã gần chục năm thôi không chạy nữa nhưng Đặng Thị Tèo vẫn có những cuộc ma-ra-tông khác giữa đời thường.
Đặng Thị Tèo và những cuộc ma-ra-tông cuộc đời ảnh 1
Gia đình Đặng Thị Tèo

Giải Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong năm nay lại thấy có tên Đặng Thị Tèo- “nữ hoàng điền kinh” thập niên 80, 90 của VN. Bây giờ chị là huấn luyện viên dẫn dắt các vận động viên điền kinh của đoàn Hà Nội chuẩn bị cho giải đấu ở Huế.

Kỳ I: Cuộc Ma-ra-tông thứ nhất: Chân trần chạy ra vàng!

Ở nhà chị Tèo, các tấm huy chương buộc thành búi treo trên lan can cầu thang cho con chơi. Trẻ con hàng xóm sang thấy là lạ bèn xin, chị cho.

Chúng tôi hỏi sao chị không lưu lại thành bộ sưu tập kỷ niệm, chị vô lo: “ở dưới quê còn nhiều lắm”. Chị không thể nhớ mình đạt được tất cả bao nhiều huy chương.

14 tuổi bước vào cuộc đua đầu tiên, từ đó Tèo chạy cho tới 30, “hồi trẻ mỗi năm mình chạy được 7-8 cái huy chương”, nghĩa là trong khoảng 16 năm chạy miệt mài ấy biết bao huy chương mà kể. Biết bao kỷ niệm không thể nào quên.

Chiếc HCV đầu tiên là thi chạy giải của báo Hà Nội mới, khi ấy Đặng Thị Tèo là cái tên mới toanh, 14 tuổi. Cô gái Phú Thọ lần đầu đặt chân tới Hà Nội, ra Bờ Hồ nhìn các VĐV đang khởi động Tèo vừa lạ vừa kính sợ nép vào gốc cây với nỗi lo to đùng: “Trông chuyên nghiệp thế kia thì làm sao mình chạy đuổi kịp”.

Tèo mặc quần dài, chân đất, vào điểm xuất phát thì xắn quần mà chạy, đều đều, càng ngày càng tăng, rồi kịp, rồi thấy họ ở tít đằng sau lúc nào không biết. Có nhà báo chụp được bức ảnh Tèo quần ống thấp ống cao lên bục nhận giải Vàng.

Lúc ấy khoảng tháng 10, chỉ hơn một tháng sau chú Bùi Lương (HLV điền kinh Hà Nội) gọi Tèo xuống Hà Nội để luyện tập cho giải của báo Tiền Phong- cuộc thi lớn thứ hai trong đời nữ hoàng điền kinh. Giải báo Tiền Phong năm ấy diễn ra ở Thanh Hoá, ngày 16/12, Đặng Thị Tèo về đích sớm nhất, lúc ấy tất nhiên thôi xắn quần chạy vì đã “chuyên nghiệp” rồi, được diện đồng phục quần bồng xanh xanh.

Đây cũng là mốc để Tèo được giữ hẳn lại trường năng khiếu thể thao của Hà Nội. Hồi ở quê đi học mà chơi chạy đuổi nhau không ai bắt kịp Tèo, đồng quê đất rộng tha hồ chạy. Nếu không chạy chắc bây giờ Tèo cũng làm ruộng thôi, nhà có 6 anh chị em, Tèo thứ 5, không ai chạy thành nghề như chị.

7 lần Đặng Thị Tèo vô địch giải Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong, nhưng đời người vận động viên không phải lúc nào cũng suôn sẻ băng băng về đích.

Năm 1990, báo Tiền Phong tổ chức thi ở An Giang, tiết trời nóng bức, lúc ấy phải tập trung học, có đôi chút lơ là trong luyện tập, nên chị nhớ lại “cảm giác về tới đích chưa bao giờ mệt như thế. Gục xuống ngay ở vạch đích, đầu óc vẫn còn tỉnh táo nhưng không tài nào chỉ huy các cơ bắp của mình hoạt động được.

Các thày và bác sỹ vội đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Sau thày kể lại lúc đó tưởng chừng “con Tèo” “đi” đến nơi rồi. Hôm đó trời nắng quá nên có nhiều VĐV còn bị say nắng, chấn thương thần kinh lao cả xuống hồ mà không biết, có người giãy đạp dữ đến mấy bác sỹ cũng không giữ được…”.

Bây giờ VĐV đau ở đâu có ngay bác sĩ khám rồi vào viện chụp phim, cẩn thận hơn thì cho ra nước ngoài điều trị, chứ thời chị Tèo thì đi ông lang: “Năm 1987 tôi có cảm giác đau chân, thi đấu ở Bờ Hồ phải tiêm thuốc tê nhưng được 5km thuốc hết tác dụng, đau quá chạy chỉ về ba”.

Giải năm ấy chị Tèo thi xong thì sái chân, đau không chịu nổi. Người ta mách xuống ông lang ở Văn Giang, cầm chân ông biết là đã để đau 3 tháng rồi, đầu xương trật khỏi khớp và xù ra, chỉ để chậm một chút là không thể chạy được nữa.

Ông cầm chân bẻ khục một cái, đau điếng người, bù lại đi lại bình thường nhưng chỗ đó sau thành tật, bị nhẹ một chút là lại xuống ông lang nắn lại. Nói là từ đó tập nhẹ và cẩn thận hơn nhưng vẫn hàng ngày 3 tiếng chạy trên bãi cát sông Hồng!

Chị Tèo nhớ lại hồi ở trong cái nhà tập gần cầu Long Biên mà sợ, buổi tối cứ ngồi trong phòng nghe phía bên ngoài tường bạt ngàn các cô gái ăn sương cãi cọ, mặc cả chí choé. Sau này chuyển về Quần Ngựa ở tốt hơn. Lần thứ 7 Đặng Thị Tèo đoạt HCV Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong là ở Quy Nhơn năm 1992.

Một năm sau đó Tèo mang thai được 2 tháng rưỡi nhưng vẫn thi ở Gia Lai, leo dốc, đang dẫn đầu và cách đích khoảng 1km thì cảm thấy bất ổn trong người “Tôi chạy không cố gắng nữa và về Nhì. Về nhà tính đi tính lại, quyết định bỏ thai vì thể lực lúc đó không được tốt, nếu cứ sinh con ra có vấn đề gì lại ân hận”.

Rồi chạy thêm 3 năm nữa, thi SEA Games năm 1995, chạy cự li 800 m Tèo đoạt HCB, thêm một HCĐ ở cự ly 1.500m, thi ma-ra-tông quốc tế năm 1992 tại TP HCM cùng người nước ngoài, Tèo về nhất, năm 1993 có ma-ra-tông quốc tế mở rộng ở Hà Nội, chạy 42 km chị về đích đầu tiên trong số các VĐV Việt Nam.

Hồi 1994 Tèo đi ASIAD ở Nhật, vào hẳn VCK gặp các đối thủ mạnh, gặp gió to chạy về đích xếp khoảng thứ tư, thứ năm, cũng được thưởng đồng hồ mang về, không thể quên.

Đến năm 1997 sinh con trai đầu lòng sau đó nghỉ hẳn các đường đua. Tiếc nuối lớn nhất trong đời chạy của Tèo là ngay cả khi thi đấu cũng như tập luyện hầu như chỉ chạy một mình, thời đỉnh cao không có đối thủ để đua tranh nên không phát huy hết được “công lực” còn tiềm ẩn, khi ra quốc tế tranh tài chịu thiệt thòi.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG