Vụ án Trần Thị Bích Câu bị cảnh sát Mỹ bắn chết:

Bồi thường gần 2 triệu UDS cho một Việt kiều Mỹ

Bồi thường gần 2 triệu UDS cho một Việt kiều Mỹ
Ngày 29/11/2005, Hội đồng thành phố San Jose đã đồng ý bồi thường cho gia đình chị Trần Thị Bích Câu số tiền 1.825.000 USD. Chị Trần Thị Bích Câu đã bị một cảnh sát Mỹ bắn chết tại nhà bếp trong gia đình chị ngày 13/7/2003.

Số tiền trên bao gồm 1 triệu USD dành cho 2 đứa con mồ côi mẹ, 630 ngàn USD dành cho chi phí luật sư, 25 ngàn USD cho các chi phí linh tinh, phần còn lại dành cho cha mẹ của Bích Câu.

Trần Thị Bích Câu, 25 tuổi, mẹ hai con - Tony 4 và Tommy 2. Bích Câu từ Việt Nam sang định cư ở Mỹ và làm việc tại một hãng điện tử, nơi cô gặp cha của hai con cô là Bùi Đăng Quang.

Sự việc xảy ra vào tối  13/7/2003, khi viên cảnh sát San Jose tên Tom Mun xông vào nhà bắn cô trên đường Taylor trong lúc cô đang đứng một mình trong nhà bếp, tay cầm dao gọt trái cây.

Anh Quang, chồng Bích Câu khai rằng cô không hề đe dọa cảnh sát, mà, trong lúc phẫn nộ, đã chỉ con dao bào  về phía cửa phòng ngủ (trước đó cô đã cố cạy để mở cánh cửa này vì để quên chùm chìa khóa trong đó).

Ngược lại, cảnh sát Tom Mun khai rằng Bích Câu vừa la hét đuổi họ đi, vừa dùng con dao làm bếp khua qua khua lại năm, sáu lần nhằm đe dọa ông và đồng đội là cảnh sát Chad Marshall. Mun khai Marshall đã nổ súng bắn Bích Câu khi cô có ý định bước tới và ném “vũ khí giết người” trên tay cô vào họ...

Trong khi đó anh Đăng Quang, chồng Bích Câu, cho biết con dao bào mà Bích Câu dùng chỉ về hướng phòng ngủ chỉ dài có 25cm. Ngay khi cô đưa dao chỉ vào cửa phòng ngủ thì Marshall, từ giữa phòng khách, nổ súng vào trong bếp nơi Bích Câu đứng, phát đạn trúng ngay tim cô! Các nhân chứng đều thống nhất ý kiến rằng Marshall đã bắn chỉ trong tích tắc sau khi hai cảnh sát viên bước vào nhà Bích Câu.

Bích Câu có những triệu chứng tâm thần sau khi sinh đứa con thứ nhì vào năm 2000. Cô nói với chồng rằng cô sợ phim bạo động có người bị bắn. Cảnh sát đã từng đến nhà Bích Câu ít nhất là 9 lần từ 2001 và cô cũng đã vào bệnh viện ít nhất ba lần vì bệnh tâm thần. Tháng 3/2001, cảnh sát và xe cứu thương cũng từng được gọi tới nhà khi Bích Câu la hét và khóc trong lúc hai con trai cô hốt hoảng chạy chung quanh. Tháng 10/2001, Bích Câu từng đe dọa anh cô bằng kéo, sau đó tự nhốt mình trong một căn phòng, cắt xé mền, màn gió và đốt vải...

Trần Thị Bích Câu bị bắn vào tối 13/7/2003, thì ngày 16/7/2003 một đoàn biểu tình gồm 300 người Việt đã kéo đến Sở Cảnh sát San Jose đòi công lý cho cái chết của Trần Thị Bích Câu. 9 giờ sáng  ngày 2/ 8/2003, hàng trăm đồng hương đã tụ họp trước căn nhà số 570 E. Taylor, San Jose tiễn đưa Trần Thị Bích Câu về cõi vĩnh hằng.

Luật sư Richard Konda, Giám đốc tổ chức Luật gia Á châu (Asian Law Alliance) đã phát biểu: "Đừng để cho cái chết này trở nên vô nghĩa, chúng ta cần phải quyết tâm sát cánh tranh đấu cho công lý, không những riêng cho gia đình, mà còn cho cả cộng đồng, chung cho tất cả sắc dân, và cho mọi người trong thành phố...Cô Trần Thị Bích Câu trước khi trở thành mẹ của hai đứa con, đã từng đi làm điện tử, cô đã đóng góp cho sự phồn thịnh xứ sở này như hàng trăm ngàn người Việt Nam khác... Chúng ta cùng đoàn kết để tìm cho được công lý...".

Một phiên tòa đã mở ra, tuyên: viên cảnh sát "hạ thủ" được trắng án và tha bổng, nhưng TP San Jose vẫn phải có trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân...

Cuộc đấu tranh của cộng đồng Việt Nam đã gây tiếng vang rộng lớn trong vùng vịnh San Jose - San Francisco. Nhờ các cuộc đấu tranh của cộng đồng mà quận hạt Santa Clara đã có quyết định lịch sử: tổ chức một cuộc điều tra công khai về cái chết của Bích Câu.

Cuối tháng 9, thẩm phán Liên bang James Ware đã ban hành quyết định bác bỏ đơn của thành phố xin bãi nại vụ án và quyết định cho vụ án tiến hành vào tháng 10, rồi dời lại tháng 11, rồi tháng 12... thành phố lại nộp đơn kháng cáo lên tòa trên, gây trì hoãn vài ba năm nữa... Theo các luật sư, việc kháng cáo này chẳng qua chỉ là đòn phép kéo dài để làm nản lòng gia đình nạn nhân mà thôi!

Ngày 01/11/2005 khoảng 50 người Việt Nam đã biểu tình trước Tòa thị chính San Jose phản đối chính quyền thành phố trì hoãn bồi thường cho cái chết của Bích Câu, đoàn biểu tình yêu cầu thành phố giải quyết trách nhiệm và nhanh chóng bồi thuờng cho gia đình nạn nhân.

Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận cộng đồng, chính quyền San Jose đã chấp nhận thương lượng với phía luật sư bên nguyên đơn, con số bồi thường được đưa ra thảo luận là từ 1,5 triệu đến 1,9 triệu USD. Cuối cùng Hội đồng TP San Jose đã biểu quyết con số 1.825.000 USD trên.

Nghị viên gốc Việt Madison Nguyễn cho rằng kết quả bồi thường tốt cho cả đôi bên, phía TP phải gánh chịu trách nhiệm qua hành động của viên cảnh sát và số tiền 1 triệu USD cũng đủ để nuôi nấng cho hai đứa trẻ mồ côi vì chúng đã mất mẹ.

Theo đánh giá của dư luận, đây không phải là thắng lợi riêng của cộng đồng Việt Nam, mà còn là thắng lợi chung của tất cả sắc dân thiểu số ở Mỹ, như ông Rich L. Callender, một người da đen, Chủ tịch tổ chức Quốc gia Thăng tiến Dân da màu tại San Jose (National Association for the Advancement of Colored People- NAACP) đã mạnh mẽ lên án hành động tàn nhẫn gây ra cái chết của Bích Câu

MỚI - NÓNG