Xâm nhập mặn miền Tây mùa khô năm nay thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Xâm nhập mặn đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ tháng 2-4/2025, mức độ xâm nhập mặn có thể thấp hơn mùa khô năm 2023-2024 (năm xâm nhập mặn cực kỳ gay gắt). Tuy nhiên vẫn gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất cục bộ tại một số địa phương ven biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố Kịch bản nguồn nước (lần đầu) trên lưu vực sông Cửu Long nhằm phục vụ công tác điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên lưu vực sông, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước, an ninh lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác của người dân.

Theo kịch bản, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025 có thể không gay gắt như mùa khô năm 2023-2024 nhưng vẫn nghiêm trọng ở một số vùng.

Cụ thể trên sông Tiền, ranh giới mặn hơn 4g/l có khả năng vào sâu cách cửa sông khoảng 35-50km, thấp hơn khoảng 10-15km so với năm 2024, trên sông Hậu vào sâu khoảng 42-50km, thấp hơn khoảng 7-12km so với năm 2024.

Trên các sông Hàm Luông, Cổ Chiên, Cái Lớn, ranh mặt có thể vào sâu đất liền khoảng 45-60km, thấp hơn năm 2024 từ 5-10km.

Tại các địa phương, An Giang, Đồng Tháp và thành phố Cần Thơ dự báo có thể không bị nhiễm mặn. Tại Long An, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng ở các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ. Tại Tiền Giang ảnh hưởng đến huyện Tân Phú Đông, Gò Công Đông, TP. Gò Công, Gò Công Tây, Chợ Gạo.

Xâm nhập mặn miền Tây mùa khô năm nay thế nào? ảnh 1

Xâm nhập mặn tại ĐBSCL năm 2024.

Tại Bến Tre, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng đến các khu vực dọc sông Hàm Luông, thuộc các huyện Bình Đại, Giồng Trôm, Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú, tại Trà Vinh là các huyện Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang, Càng Long, Duyên Hải, TP Trà Vinh.

Tại Vĩnh Long, xâm nhập mặn có thể ảnh hưởng tại huyện Vũng Liêm, ở Sóc Trăng là các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, TX Vĩnh Châu. Tại Hậu Giang là huyện Long Mỹ, TP. Vị Thanh.

Tại Bạc Liêu là huyện Hồng Dân, Phước Long, Đông Hải, Hòa Bình, Vĩnh Lợi, TX Giá Rai, TP. Bạc Liêu. Tại Kiên Giang là các huyện U Minh Thượng, Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh. Riêng tại Cà Mau, độ mặn trên 4g/l xuất hiện trên các sông Ông Đốc, Gành Hào, kênh Phụng Hiệp, do đó các huyện, thành phố thuộc tỉnh đều có thể bị ảnh hưởng do nhiễm mặn thường xuyên.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định, các tháng cuối năm 2024 đến hết mùa cạn năm 2025, nguồn nước trên lưu vực sông Cửu Long ở trạng thái bình thường, tuy nhiên, vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn và hệ thống các công trình thủy lợi, hệ thống các công trình cấp nước tập trung chưa được hoàn thiện đồng bộ. Vì vậy, vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nước nếu không khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.

Để giảm thiểu nguy cơ có thể xảy ra thiếu nước cấp cho nhân dân, đặc biệt là nước cho sinh hoạt trong mọi tình huống, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Cửu Long chủ động lập kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo nhu cầu sử dụng nước bình thường của từng ngành, lĩnh vực.

Xâm nhập mặn miền Tây mùa khô năm nay thế nào? ảnh 2

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt được dự báo xảy ra tại các khu vực bị nhiễm mặn trong mùa khô 2025.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát, nâng cao năng lực trữ nước ngọt của hệ thống kênh, ao trữ; bổ sung, nâng cấp các trạm bơm tưới; xây dựng hệ thống bờ bao, cống - bọng nâng cấp khả năng lấy nước của các cống, trạm bơm trên khu vực.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân và các nhu cầu thiết yếu khác ở các đô thị, thị trấn.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn do tình hình xâm nhập mặn trên lưu vực sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường, mưa trái mùa và còn biến động trong thời gian tới.

Riêng đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến xâm nhập mặn trên các sông để xây dựng kế hoạch lấy nước phù hợp, lưu ý việc đảm bảo nguồn, chất lượng nước cho các nhà máy nước sạch, công trình cấp nước tập trung bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

Chủ động bố trí ngân sách của địa phương và huy động các nguồn tài chính hợp pháp khác để triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.