Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đã có trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội, phản ánh việc kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.
Cử tri cho rằng, vừa qua có trường hợp sau khi bị cơ quan cảnh sát điều tra khám xét, mới phát hiện ra khối tài sản rất lớn, không kê khai, không rõ nguồn gốc. Từ đó, cử tri kiến nghị cần quan tâm chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc hơn vấn đề này.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong |
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, thực hiện kiểm soát tài sản, thu nhập hiệu quả là giải pháp quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, nghị định130/2020 của Chính phủ về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập được ban hành tại quyết định 56/2022 của Bộ Chính trị.
Để siết chặt các quy định về kê khai tài sản góp phần tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 390/2022 về việc phê duyệt đề án "Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập". Đây là dữ liệu quan trọng trong phòng, chống tham nhũng nhằm hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác kiểm soát tài sản, thu nhập…
Cùng với đó, thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin, các quy trình, quy định phục vụ việc hệ thống hóa, cập nhật, lưu trữ, bảo vệ an toàn và cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời về bản kê khai, kết luận xác minh tài sản, thu nhập và các dữ liệu khác có liên quan.
Theo ông Phong, hiện nay Thanh tra Chính phủ đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ của đề án 390 nói chung và việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập trên phạm vi cả nước nói riêng.
Tổng Thanh tra thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2024, có 282.826 người đã thực hiện kê khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, có 2.518 người được xác minh việc kê khai tài sản, thu nhập; 4 người bị kỷ luật do kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.