Từ chàng trai khuyết tật trở thành ông chủ

Anh Trần Thành Trung là một người khuyết tật nhưng chưa bao giờ anh lấy lý do đó để cho phép bản thân mình lười biếng, ỷ lại. Với chàng trai ấy từ bé đến lớn luôn là quá trình không ngừng cố gắng, không ngừng vươn lên và đến thời điểm hiện tại, Thành Trung đã

Không đầu hàng số phận

Từ khi sinh ra, chàng trai Trần Thành Trung (quê Thái Nguyên) không may mang trong mình căn bệnh bại não thể co cứng. Cậu em song sinh cũng cùng dạng tật đã qua đời trong một cơn bạo bệnh năm 17 tuổi. “Tôi không thắc mắc tại sao anh em tôi lại bị như vậy mà trong tôi luôn tự vấn mình phải sống như thế nào để cuộc sống tươi đẹp hơn và có thể giúp ích được cho xã hội”, Thành Trung tâm sự.

Mặc dù hạn chế trong việc di chuyển nhưng Trung đã thực hiện được ước mơ bước chân vào cánh cổng Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên (khoa Quản trị - Văn Phòng - Lưu trữ). Những tưởng mọi thứ từ đó đã bắt đầu suôn sẻ hơn nhưng khi ra trường chàng trai ấy bị từ chối tới 23 lần khi đi xin việc với lý do “không đáp ứng được nhu cầu lao động”.

Từ chàng trai khuyết tật trở thành ông chủ ảnh 1

Anh Trần Thành Trung đào tạo cho các học viên là người khuyết tật.

“Sau khi bị từ chối nhiều lần, tôi bắt đầu với công việc tự do là đi sửa máy tính, cài win máy tính dạo để có tiền sau tốt nghiệp”, sự rẽ ngang ngành bắt đầu từ đây và Trung cũng dần bắt đầu với việc nhập máy tính cũ về và đăng bán online.

Một lần xuống Hà Nội chơi, Trung đi phỏng vấn xin việc với tâm lý “sẵn sàng trượt” nhưng không ngờ lại được nhận vào phòng kỹ thuật máy tính. Làm ở đây, Trung được đào tạo thêm về kỹ năng như Marketing, SEO web,... Nhưng niềm vui không được lâu khi Covid-19 ập đến, công ty cắt giảm nhân sự và anh lại một lần nữa thất nghiệp. Thế nhưng anh không hề thấy buồn, với vốn kiến thức đã học được từ chỗ làm, Thành Trung mở công ty cũng như các lớp đào tạo miễn phí cho học viên là người khuyết tật vận động. Công ty TNHH TĐT Digital ra đời với 11 nhân viên đầu tiên đều là người khuyết tật.

Với ý chí vươn lên và nỗ lực đóng góp cho cộng đồng, anh Trung vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2020 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

Lan tỏa những giá trị cộng đồng

Trải qua những khó khăn, rào cản trong cuộc sống, anh Trung trở nên vững vàng hơn và dần có được lối đi riêng ghi dấu ấn của bản thân mình. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, anh muốn lan tỏa hơn nữa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng như mong ước từ lâu.

Từ chàng trai khuyết tật trở thành ông chủ ảnh 2

Anh Trần Thành Trung tặng quà cho mái ấm Thánh Tâm - Mỹ Đức.

Khi sống và làm việc tại Hà Nội, anh đã kết nối và tham gia CLB Thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân, tiếp tục các hoạt động hỗ trợ người khuyết tật như: tham gia tích cực các hoạt động của CLB thanh niên khuyết tật quận Thanh Xuân trong công tác phòng chống dịch Covid-19; Quay video hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19; Tổ chức và tuyên truyền cuộc thi online “Lần đầu được làm chuyện đó” trong hội viên CLB thanh niên khuyết tật Thanh xuân,... Trong quá trình làm việc và công tác, thấu hiểu những khó khăn nghề nghiệp của người khuyết tật nói chung và thanh niên khuyết tật nói riêng, bằng vốn kiến thức bản thân, anh luôn nỗ lực chia sẻ kinh nghiệm lập nghiệp, đào tạo kiến thức cho cộng đồng người khuyết tật. Công ty của anh luôn dành sự ưu tiên cho các khóa đào tạo và sử dụng lao động là người khuyết tật, kết nối và tạo việc làm cho người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội cũng như cả nước.

Trong lớp học của thầy Trung có một chiếc tivi treo tường làm công cụ dạy học, những chiếc bàn nhựa màu xanh kê sát nhau. Cả thầy và trò đều ngồi xe lăn, cùng học cùng làm. Những kiến thức mà người thầy ấy dạy cho học viên chính là những bài học, là những trải nghiệm của chính bản thân mình. Học viên được đào tạo kỹ năng thiết kế web, SEO web, …. đều là những công việc có thể làm online, ít di chuyển và có thu nhập tương xứng. Tính đến nay, lớp học đã đào tạo được hàng chục học viên là người khuyết tật.

“Ở công ty tôi đã đào tạo được nhiều lứa học viên, nhưng các bạn có nhu cầu được đào tạo trình độ chuyên môn cao còn ít, bởi vậy đôi khi họ vẫn chưa bộc phát hết khả năng của mình. Mong rằng tới đây sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ người khuyết tật hơn trong lĩnh vực khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề trình độ cao để họ tự tin hòa nhập cộng đồng”, Giám đốc công ty TNHH TĐT Digital bày tỏ.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 09/9/2019. Chi tiết về các chương trình hỗ trợ của Thành phố tại: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn

MỚI - NÓNG
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
'Mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước'
TPO - Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã đi vào lịch sử như một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng hào hùng của Hà Nội và đất nước; trở thành biểu tượng của lòng yêu nước quả cảm, sức mạnh phi thường, mong muốn hoà bình và khát vọng cháy bỏng giành lại nền độc lập của nhân dân Việt Nam.