Ngày 17/7, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Đồng Nai khóa X về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng trong thời gian qua, Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra phức tạp trên phạm vi cả nước, số nạn nhân và số tiền bị chiếm đoạt ngày càng nhiều, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2024 Công an tỉnh tiếp nhận xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 76 vụ, số tiền bị chiếm đoạt trên 325,4 tỷ đồng.
Đại tá Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công an Đồng Nai |
Trong đó, đáng chú ý là vụ nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 170 tỷ đồng, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can để tiếp tục điều tra làm rõ.
Trong vụ bị chiếm đoạt hơn 170 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Giang Hương đã bị cách chức Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch.
Cũng theo Công an tỉnh Đồng Nai, từ năm 2019 đến nay, cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã khởi tố 5 vụ án, 11 bị can liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, trong đó có 1 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 1 vụ thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và 1 vụ Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Số tiền các bị can gây thiệt hại ước tính lên đến trên 700 tỷ đồng. Điển hình như vụ án thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Đồng Nai, bị can Trần Quốc Tuấn, Giám đốc và bị can Nguyễn Khắc Hiển, Phó giám đốc, kiêm Chánh Thanh tra giám sát đã buông lỏng công tác quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra quá trình hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dẫn đến nhiều sai phạm, phải kiểm soát đặc biệt, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.
Qua công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm trên lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua, Công an Đồng Nai nhận thấy công tác quản lý, kiểm soát ngân quỹ, tín dụng, quản lý cán bộ của nhiều tổ chức tín dụng còn bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo để cán bộ vi phạm pháp luật. Có trường hợp tạo điều kiện tiếp tay cho tội phạm trên lĩnh vực tài chính, ngân hàng, hoạt động.
Tình hình tội phạm lợi dụng hoạt động chuyển tiền qua ngân hàng để lừa đảo diễn biến phức tạp. Một trong những phương thức, thủ đoạn là thông qua mạng xã hội gọi điện trực tiếp cho người bị hại để đe dọa, giả danh cán bộ nhà nước sau đó kêu gọi chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng không chính chủ gây thiệt hại ngày càng nhiều, điển hình như vụ lừa đảo hơn 170 tỷ đồng tại huyện Nhơn Trạch.
Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng được thực hiện bởi các tổ chức tội phạm đặt trụ sở tại nước ngoài, có móc nối giữa nhiều nhóm tội phạm, đối tượng trong và ngoài nước, đối tượng cầm đầu là người nước ngoài thuê các đối tượng thực hành là người Việt Nam, điều hành qua trung gian nên khó xác định vai trò, vị trí các đối tượng.
Các đối tượng có sự cấu kết chặt chẽ, phân công, phân cấp với từng vai trò, vị trí khác nhau, mỗi hình thức lừa đảo được thực hiện theo kịch bản soạn sẵn để áp dụng với từng bị hại khác nhau và thường xuyên thay đổi địa điểm nhằm tránh phát hiện, truy bắt của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng các đối tượng kinh doanh mua bán tiền ảo trên các sàn giao dịch quốc tế làm kênh trung gian rửa tiền.