Thứ Bảy hàng tuần, lớp vẽ miễn phí “Âm thanh hội họa” nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận, TPHCM) lại đón những học viên đặc biệt. Tất cả đều là người khiếm thính và có niềm yêu thích hội họa. |
Họa sĩ Võ Văn Y, người sáng lập lớp vẽ tâm sự, ban đầu rất khó khăn. Thầy thì không biết ngôn ngữ ký hiệu, còn trò thì không nghe, không nói được. May mắn, các em biết đọc biết viết cho nên thầy trò trao đổi với nhau qua chữ viết. “Thật kỳ diệu làm sao khi thầy trò tôi đã đi cùng với nhau được 7 năm trời” - thầy Y vừa nhìn các học trò, nói với giọng đầy yêu thương. |
Cần mẫn hướng dẫn từng học trò từ cách pha màu, phối cảnh đến cách thể hiện, thầy Y không dùng lối đào tạo theo khuôn mẫu mỹ thuật thông thường, mà để người học tự do chọn chủ đề, thoải mái thể hiện theo từng cách riêng của mình. |
Với thầy, các em có thể không nghe được nhưng hội họa lại là một thứ âm thanh diệu kì, mượn những nét vẽ để nói lên lòng mình. “Các em câm, điếc thường rất mặc cảm, bức bối đè nén trong lòng. Tôi muốn dùng hội họa như một cách thức, ngôn ngữ giao tiếp để xóa đi rào cản ấy, giúp họ có đủ dũng khí, tự tin, hòa nhập với cộng đồng, vượt lên số phận, sống và làm việc như những người bình thường” – thầy Y bộc bạch. |
Những bức tranh phong cảnh thiên nhiên, chân dung, làng quê yên bình… với màu sắc tươi sáng, đẹp mắt của những họa sĩ khiếm thính dường như đều ẩn chứa ước mơ cháy bỏng của thầy và trò về một ngày mai tươi sáng. |
Một tác phẩm của các "họa sĩ" |
Theo bà Lê Thị Minh Loan, Chánh Văn phòng Hội Mỹ thuật TPHCM, đây là một hoạt động ý nghĩa và thiết thực, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng khuyết tật. Lớp học không chỉ giúp phát triển năng khiếu hội họa của các em khuyết tật mà còn giúp họ có thể tự tin sống được bằng nghề. Lớp học cũng là cơ hội để các em có công việc, quên đi những những khó khăn mà bản thân gặp phải. |
Tất cả các học viên của lớp “Âm thanh hội họa” đều được Hội Mỹ thuật TPHCM công nhận là họa sĩ khuyết tật. Qua những buổi triển lãm, một số bức tranh đã được bán. Với số tiền thu được, lớp học đã trích 25% đi làm từ thiện nhiều nơi, giúp đỡ nhiều mảnh đời khó khăn trên tinh thần nhân ái và chia sẻ; 50% thuộc về tác giả; 25% còn lại dùng để tiếp tục nuôi dưỡng lớp học. |