Theo đó, kết quả xác minh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cho thấy các mẫu phân tích lấy từ các ruộng lúa bị chết, gần đường cao tốc sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp có độ mặn cao gấp nhiều lần so với ngưỡng chịu mặn cho phép.
Cụ thể, kết quả ghi nhận 3 ha lúa của 9 hộ tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thanh, Hậu Giang bị ảnh hưởng do cát nhiễm mặn. Đây là diện tích trồng lúa nằm kề dự án đường cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau.
Theo kết quả đo nồng độ mặn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật - Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, mẫu lấy ở diện tích lúa bị chết có độ mặn 2,5‰ và ở vùng không bị thiệt hại là 0,1‰. Trong khi đó, tiêu chuẩn cơ sở về ngưỡng chịu mặn của cây lúa do Bộ NN&PTNT ban hành là 1,28 ‰.
Bộ NN&PTNT thông tin, sau khi thu hoạch 2,33 ha lúa bị ảnh hưởng, sản lượng lúa đạt 13,5 tấn, năng suất trung bình đạt 6,04 ha. Trong khi đó, năng suất trung bình ở những khu vực không bị ảnh hưởng là 7,6 tấn/ha, dẫn tới sản lượng lúa thiệt hại là 5,5 tấn. Hiện các hộ dân đã được đơn vị thi công bồi thường thiệt hại gần 44 triệu đồng.
Người dân Hậu Giang phản ánh hiện tượng lúa bị nhiễm mặn do ảnh hưởng từ việc sử dụng cát biển làm cao tốc Hậu Giang - Cà Mau. |
Đối với vụ lúa hè - thu, Bộ NN&PTNT cho biết sau khi UBND xã Vị Thắng có văn bản báo cáo nhận định về việc cát biển làm nền đường cao tốc có thể ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất lúa; Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra thực tế diện tích lúa gần đoạn đường thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn xã này.
Qua kiểm tra, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang ghi nhận có những ruộng lúa đã gieo sạ 20-25 ngày bị chết 70% diện tích, một số ruộng bị chết 20-50% diện tích. Kết quả đo độ mặn ở ruộng lúa bị chết là 6,6‰, tại lòng đường cao tốc là 1,8‰ và tại kênh thủy lợi 0,4‰.
Từ kết quả này, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị thi công có giải pháp cụ thể để độ nhiễm mặn của nước nơi thi công đảm bảo đúng tiêu chuẩn (của Bộ NN&PTNT đưa ra).