Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga:Xử lý chưa nghiêm
Điều đáng nói là, lãng phí thường xảy ra ở khu vực ngân sách Nhà nước nhiều hơn. Hành vi tham nhũng dễ bị phát hiện và xử lý hình sự, trong khi lại rất khó để tìm ra hành vi lãng phí để có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Do vậy, tính răn đe trong việc ngăn chặn thất thoát, lãng phí chưa cao.
Hằng năm, tại các kỳ họp Quốc hội, tôi và nhiều đại biểu rất quan tâm đến báo cáo, phòng chống lãng phí của Chính phủ. Chúng ta đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để ngăn chặn. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là lãng phí ở các dự án đầu tư. Có những dự án, công trình hàng chục năm “đắp chiếu” để đó, là một sự lãng phí nguồn lực vô cùng to lớn.
Tôi mong muốn phải nhìn nhận, đánh giá thực sự thấu đáo tình trạng này. Khi đầu tư một dự án không hiệu quả, nghĩa là chúng ta đã tước đi cơ hội đầu tư của những dự án khác, lĩnh vực khác. Với nguồn lực có hạn của một quốc gia, quyết định đầu tư cái gì, ở đâu, bao nhiêu tiền, chúng ta phải tính toán rất kỹ. Thực tế nhiều khi còn phải san sẻ, lĩnh vực này được đầu tư, lĩnh vực khác phải xếp hàng chờ, vì không thể có đủ nguồn lực đầu tư cùng một lúc.
Tòa tháp 31 tầng của Tổng Cty Xi măng Việt Nam được đầu tư cả nghìn tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang nhiều năm tại Hà Nội. Ảnh: Minh Tuấn |
Để chống lãng phí đi vào thực chất, trước tiên, phải thay đổi quan điểm và nhận thức. Nhiều khi người ta chỉ nhìn vào việc có lãng phí về mặt tiền bạc hay không. Còn tiết kiệm chỉ nhìn vào ngân sách, cũng đầu việc này, năm ngoái cấp bằng này tiền, năm nay giảm xuống 10%, thế là tiết kiệm. Hoàn toàn không phải như thế.
Có lần tôi đã phát biểu, cùng một cá nhân, nhưng cách ứng xử với tài sản công và tài sản tư hoàn toàn khác nhau, cách ứng xử giữa thời gian cá nhân và thời gian dành cho việc công cũng hoàn toàn khác nhau. Vậy nó nằm ở đâu, xin thưa, nó nằm ở ý thức con người, là đạo đức công vụ. Do vậy, chúng ta cần phải thay đổi hành vi, nhận thức và lối sống của con người trước tiên. Còn nếu chúng ta chỉ sử dụng các biện pháp hành chính để chống lãng phí, cũng đạt kết quả, nhưng nó chưa đạt được như mong muốn, vì chúng ta rất khó kiểm soát hành vi này.
Chính vì vậy, theo tôi, rất cần thiết phải có sự rà soát, đánh giá, phân định rạch ròi, rõ ràng về vấn đề trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân khi để xảy ra lãng phí. Có như thế mới ngăn chặn được tình trạng này lặp đi lặp lại, thậm chí là tái diễn ngày càng nghiêm trọng với mức độ lớn hơn.
Đối với các dự án đang trong giai đoạn điều tra, có nên “đắp chiếu” để đó không? Đa phần đó là những dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia, khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa rất lớn cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng và cho cả nước. Vậy chúng ta phải ứng xử như thế nào với các công trình, dự án này? Chúng ta không thể nói trước được tiến độ điều tra dài hay ngắn. Do vậy, theo tôi cần phải có sự tách bạch rạch ròi để vừa có thể đảm bảo quá trình giải quyết vụ án liên quan đến sai phạm của dự án được nhanh chóng, khách quan, nhưng cũng vừa khắc phục được tình trạng dự án bị đắp chiếu”.
TS.Đinh Văn Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ
Về lãng phí, Bác Hồ nói lãng phí nhiều khi còn tệ hơn cả tham nhũng. Vì sao? Bởi vì lãng phí thì chỗ nào cũng có thể nhìn thấy lãng phí. Và tham nhũng hay lãng phí cũng đều giống nhau ở hậu quả là mất tiền, mất bạc, mất cán bộ. Nhưng Bác Hồ nói lãng phí có cái tệ hơn là mất nhiều hơn vì chỗ nào cũng có thể mất, mất rất to và có những cái mất mà mình không thể nhìn thấy và cũng chả có cách gì thu lại được.
Nguyên nhân thứ nhất là do trình độ, năng lực quản lý. Lãng phí tức là không hiệu quả, không hiệu quả suy cho cùng là do trình độ. Có thể thấy rõ điều này không chỉ các công trình cụ thể. Trước hết lãng phí rất lớn là trong công tác quy hoạch, kế hoạch. Việc quy hoạch, kế hoạch được xây dựng thiếu bài bản, tầm nhìn, đánh giá tác động kém dẫn đến sau một thời gian phải điều chỉnh, sửa đổi… Công trình vừa xây xong đã bỏ hoang hoặc thậm chí phá đi làm lại. Chưa nói đến những hệ lụy khác về môi trường, những xáo trộn trong cuộc sống thường nhật và sinh kế của cư dân, thực sự là một sự lãng phí khủng khiếp. Câu chuyện về dự án BRT hiệu quả thấp, Nhà nước đã bỏ cả nghìn tỷ đồng vào việc này, sau 10 năm hoạt động không hiệu quả lại định bỏ đi.
Lãng phí về đất đai, nhà ở là rất lớn. Tại sao ở mình lại xảy ra vấn đề như vậy? Là do trình độ quản lý. Rõ ràng bây giờ đất đai trở thành nguồn lực rất lớn mà không ít nơi để không, để hoang rất lãng phí. Vì Nhà nước thiếu biện pháp kiểm soát vấn đề này, dẫn đến tình trạng đầu cơ, mua để đó năm này qua năm khác, trong khi nhiều người thiếu đất, thiếu nhà để ở. Ở nước ngoài họ sẽ đánh thuế tài sản, nhà đất để càng lâu, diện tích càng lớn thì thuế càng nặng khiến cho anh không thể đầu cơ.
“Nói về bệnh tật của bộ máy nhà nước, Bác Hồ thường nói 3 thứ: tham ô, lãng phí và quan liêu. Chống tham ô với lãng phí luôn luôn gắn chặt với nhau kể cả trong tư tưởng chỉ đạo, định hướng chủ trương và các giải pháp đấu tranh với những tệ nạn này”. TS Đinh Văn Minh -
nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ
Nguyên nhân thứ hai là do trách nhiệm. Người ta thường có tâm lý của công là của chùa, có mất mát thì cũng chẳng ảnh hưởng đến lợi ích của mình nên mặc kệ, cứ lãng phí một cách “vô tư”, vô trách nhiệm. Tham nhũng thì luôn được coi là có tội và bị xử lý nghiêm trong khi lãng phí chỉ bị coi là có lỗi thông thường và thực tế thì pháp luật cũng quy định xử lý tham nhũng nghiêm khắc hơn. Trên thực tế, so với tham nhũng thì việc xử lý trách nhiệm để xảy ra lãng phí khó hơn, và cũng ít hơn vì sự quy kết trách nhiệm và đánh giá về thiệt hại do lãng phí cũng phức tạp hơn.
Lãng phí cũng là một dạng của tiêu cực. Tiêu cực rất rộng và còn liên quan đến vấn đề đạo đức lối sống. Tổng Bí thư đã nói sinh ra tham nhũng do con người hư hỏng. Hư hỏng ở đây chính là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Một ví dụ rất đơn giản là bây giờ một ông cán bộ chỉ thích ăn ngon mặc đẹp thì chắc hẳn sẽ muốn có tiền, mà muốn có tiền thì phải tham nhũng. Một quan chức đạo đức kém thì sẽ thích phô trương hình thức, tiêu tiền, dùng của công vô tội vạ, không biết xót xa, chắt chiu tiền thuế của dân…
Phòng chống tham nhũng, lãng phí thì trước hết phải làm ở khu vực công. Giống như phòng chống tham nhũng, cần phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, không phải là suông, phải có biện pháp cụ thể với loại hoạt động phù hợp với cơ quan mình thì tiết kiệm chỗ nào. Mỗi cơ quan, đơn vị mỗi ngành phải có tư tưởng rằng bản thân hoạt động của cơ quan mình, phòng mình đều có thể thực hành chống lãng phí được, khâu nào thực hành tiết kiệm được thì mình tiết kiệm.
Về hành lang pháp lý, tôi nghĩ pháp luật của mình nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào. Việc thực hiện giống như trong nghị quyết đã nêu phải làm trên trước dưới sau, trong trước ngoài sau tức là trong Đảng, trong Nhà nước trước rồi mới ra ngoài xã hội. Giải pháp rất quan trọng nữa là phải ứng dụng khoa học công nghệ. Công nghệ là một công cụ cực kỳ hiệu quả trong phòng chống tham nhũng và lãng phí. Có rất nhiều thứ bây giờ mình hoàn toàn có thể xử lý bằng công nghệ.
Theo tôi, cần phải quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phải trở thành một cuộc vận động lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải là nếp nghĩ, thành đạo đức, văn hóa của mỗi người cán bộ, đảng viên, từ Trung ương đến địa phương, phải trở thành hành vi ứng xử của mỗi người dân trong xã hội.