Mặc dù lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo Bộ Y tế và nhiều bộ, ngành đã chỉ đạo hoặc đến thị sát tận công trình để tháo gỡ vướng mắc nhưng Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam với vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng trong nhiều năm qua vẫn chưa thể đi vào vận hành.
“Bệnh viện ma”
Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân rất cao nhưng Bệnh viện Việt Đức tại Hà Nam chưa biết ngày nào mới đưa vào sử dụng. |
Đầu tháng 5/2024, PV Tiền Phong có mặt tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Sau 10 năm khởi công xây dựng, giờ đây bệnh viện hoang vắng không bóng người. Bên ngoài lẫn bên trong cỏ mọc um tùm do thiếu sự chăm sóc. Hai lối vào, ra phía cổng chính được rào chắn bằng dây dù và những tấm gỗ phế liệu sơ sài. Chỉ có duy nhất 1 nhân viên bảo vệ tại chốt ngoài cửa. Nhân viên bảo vệ chia sẻ: Hiện trong bệnh viện không có y bác sĩ, nhân viên y tế, họ đã được rút về Hà Nội từ lâu rồi. Bên trong không có hoạt động khám chữa bệnh gì, chỉ có một số nhà thầu đang tiếp tục thi công một số hạng mục.
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tại Hà Nam. |
Cách đó vài trăm mét là Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2, ở đây khung cảnh hoang tàn, xuống cấp hơn Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 nhiều lần. Khu vực cổng chính rào chắn bằng barie, tấm tôn và lá cọ. Phòng bảo vệ cũng bịt kín, không có một ai ở đây. Bên trong Bệnh viện Việt Đức, có nhiều hàng mục phụ trợ đang được xây dựng dang dở xuống cấp nghiêm trọng. Một số bức tường bong tróc, rêu phủ bám cả mảng, hoang hóa như một “bệnh viện ma”.
Được biết, cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được khởi công xây dựng và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay được xây dựng. Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế phê duyệt vào ngày 1/12/2014 với tổng mức đầu tư là 4.990 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Nhà nước là 4.500 tỷ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 118.941m2 sàn.
Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp sau nhiều năm vẫn là những khối bê tông hoang phế. |
Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức được phê duyệt vào ngày 1/12/2014 với tổng mức đầu tư: 4.968 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách nhà nước là 4.500 tỷ đồng, có quy mô 1.000 giường bệnh, tổng 117.714m2 sàn.
Đến tháng 10/2018, khu khám bệnh của 2 cơ sở được khánh thành đưa vào hoạt động. Tuy nhiên chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai hoạt động một thời gian ngắn rồi lại dừng và bỏ hoang đến nay.
Được biết, ngày 18/9/2022, ngay sau khi kiểm tra, khảo sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ làm việc với Bộ Y tế, các bộ, ngành và tỉnh Hà Nam về hai dự án này. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành xác định rõ những vướng mắc, khó khăn, nhất là sai sót từ khâu lập dự án, tư vấn thiết kế, thẩm định, ký kết hợp đồng, thi công xây lắp...; đặc biệt xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, vướng mắc này...
Khu ký túc xá hiện đại bị bỏ hoang
Trung tâm Điều hành và Giao dịch của Tổng Công ty Xi măng VN (Vicem) 31 tầng tại Cầu Giấy-Hà Nội bỏ hoang gây lãng phí lớn. |
Khu ký túc xá Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên khu đất rộng 40.000 m2, nằm ngay sát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và đường Giải Phóng với 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 đến A6), cao trung bình 17 tầng. Dù quy mô rất lớn nhưng khi đi ngang qua đây, bất cứ ai cũng không khỏi ngạc nhiên khi có đến 4 khối nhà bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. 4 khối nhà sừng sững như những cục bê tông khổng lồ án ngữ cửa ngõ phía Nam của Thủ đô nhiều năm nay.
Theo ghi nhận của PV, toàn bộ 4 khối nhà đều được quây tôn kín, không có hoạt động bên trong. Bao quanh dự án cũng là lớp tường tôn, cỏ mọc um tùm và những bãi rác ngập ngụa, có nơi đã biến thành bãi đỗ xe lậu. Tòa nhà A1 đã hoàn thành nhưng chỉ để cỏ mọc, không có bóng dáng sinh viên. Chỉ có tòa nhà A5, A6 lác đác có sinh viên đến ở. Em Lương Đức Thiện, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ (Trường Đại học Mở Hà Nội) cho biết, đã thuê trọ khu chung cư này được hơn 2 năm. Hiện tại, Thiện ở tầng 5, tòa nhà A5. Chi phí thuê phòng mỗi tháng là 250.000 đồng, điện khoảng 500.000 đồng/phòng (chia đều) và nước khoảng 100.000 đồng. Vì thế, chi phí tính ra mỗi em chưa đến 600.000 đồng/tháng. Dù chi phí thấp, nhưng phòng chưa bao giờ đủ người.
Thiện cho biết, phòng của em có 8 giường nhưng hiện chỉ có 5 người ở. Theo Thiện, một trong những nguyên nhân không nhiều sinh viên mặn mà thuê trọ khu vực này là do vị trí quá xa các trường đại học - cao đẳng, bất tiện cho di chuyển.
Theo thống kê của đơn vị quản lý, tỷ lệ sinh viên thuê ở tại tòa nhà A5, A6 mới đạt 60% công suất (khoảng 6.200 sinh viên). Đại diện đơn vị quản lý nhận định, kể cả trường hợp dự án hoàn thành đưa vào sử dụng với công suất 21.350 sinh viên, tỷ lệ sinh viên vào thuê ở được dự báo sẽ vẫn rất thấp, công trình sử dụng không hiệu quả gây lãng phí.
Do đó tháng 5/2017, UBND TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kiến nghị cho chuyển mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 (đã thi công phần thô) và nhà A4 (chưa giải phóng mặt bằng) sang nhà ở xã hội đảm bảo phù hợp với quy định. Thành phố cũng xin được chỉ định chủ đầu tư thực hiện dự án chuyển đổi mục đích sử dụng các hạng mục nhà A2, A3 từ nhà ở học sinh, sinh viên sang nhà ở xã hội; đồng thời lựa chọn hoặc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội tại khu đất nhà A4. Tuy nhiên đến nay, chủ trương vẫn chưa được thông qua.
Để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng đề nghị hướng dẫn chuyển đổi và xử lý nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã đầu tư cho Dự án khu ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có trả lời UBND TP Hà Nội, trong đó nêu rõ: Dự án xây dựng nhà ở học sinh, sinh viên tại Pháp Vân, Tứ Hiệp, Hà Nội (khu ký túc xá Pháp Vân-Tứ Hiệp) là một trong số các dự án được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định giao vốn tại Nghị quyết số 881/2010/UBTVQH12 ngày 04/01/2010 và Thủ tướng Chính phủ quyết định giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ hàng năm. Vì vậy, việc giảm quy mô và chuyển đổi mục đích dự án, đề nghị UBND thành phố Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. “Do đó, để được điều chỉnh dự án, vẫn phải chờ Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định”, đại diện chủ đầu tư nêu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai xác nhận hiện bệnh viện không còn hoạt động khám chữa bệnh tại cơ sở 2 tại Hà Nam. Lý giải việc này, ông Cơ cho biết dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 do Bộ Y tế làm chủ đầu tư và thực hiện, bệnh viện chỉ là đơn vị thụ hưởng. Khi nào Bộ Y tế bàn giao thì bệnh viện sẽ tiếp nhận và thực hiện công tác khám chữa bệnh tại đây. “Chúng tôi cũng mong chờ cơ sở 2 sớm đi vào hoạt động. Nhân sự chúng tôi đã chuẩn bị sẵn từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa được Bộ Y tế bàn giao công trình”, ông Cơ nói.
Tòa tháp 31 tầng 9 năm hoang phế
Có mặt tại Tòa nhà Trung tâm Điều hành và Giao dịch của Tổng Công ty Xi măng VN (Vicem) nằm ở vị trí đất “vàng”, cạnh đường vành đai 3, tòa nhà Keangnam thuộc khu vực sầm uất hàng đầu Hà Nội sau hơn chục năm khởi công nhóm PV Tiền Phong tiếp tục chứng kiến cảnh hoang tàn ở đây. Khu nhà làm việc của dự án gần như chìm giữa rừng cỏ hoang. Dự án có quy mô đầu tư lên đến hơn 2.700 tỷ đồng, được khởi công từ năm 2010, cao 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Công trình hoàn thành phần thô vào năm 2015 nhưng bị bỏ hoang cho đến nay!
Đại diện Vicem cho biết, sau khi xây dựng xong phần thô, do thực hiện chỉ đạo dừng đầu tư ngoài ngành, cơ cấu lại đầu tư nên công trình đành bỏ dở. Nhiều năm qua, Vicem “vật vã” báo cáo các cơ quan chức năng, xin chuyển nhượng lại dự án để thoái vốn khỏi lĩnh vực không phải là nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính nhưng không thành. Tháng 8/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chỉ đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tiếp tục đầu tư hoàn thiện dự án Trung Tâm điều hành và giao dịch Vicem tại Lô 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội. “Hiện nay, chúng tôi đang thúc đẩy các thủ tục cấp phép, điều chỉnh lại dự án để tiếp tục thi công. Nhu cầu về văn phòng làm việc của doanh nghiệp rất cấp bách vì trụ sở cũ xây dựng cách đây mấy chục năm, cạnh đường tàu hỏa và rất chật hẹp”, vị đại diện Vicem cho hay.