Theo quyết định này, UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tân Phú Đông và các đơn vị liên quan: Vận chuyển nước ngọt thô về các ao chứa nước tại huyện Tân Phú Đông, để sản xuất nước sinh hoạt cho nhân dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương thực hiện khảo sát, chọn vị trí vận chuyển, thời gian vận chuyển, đảm bảo việc vận chuyển nước ngọt bổ sung vào các ao chứa nước, đảm bảo kịp thời cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông một cách hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến mặn xem xét kết thúc sớm hoặc kéo dài thời gian vận chuyển nước ngọt.
Nhiều tuyến kênh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khô cạn. |
“Yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024 trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để người dân, các tổ chức biết và chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp trong sản xuất, sinh hoạt”, quyết định nêu rõ.
Mới đây, UBND huyện Tân Phú Đông (tỉnh Tiền Giang) có công văn gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV cấp nước Tiền Giang về việc đề nghị vận chuyển nước ngọt bằng sà lan bơm vào ao Phú Thành và ao Tân Thới.
Theo công văn này, tình hình mặn mùa khô năm 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như huyện Tân Phú Đông trong thời gian qua diễn biến phức tạp. Hiện, các tuyến kênh nội đồng trên địa bàn huyện bị nhiễm mặn và khô cạn. Do đó, không thể sử dụng nước từ ngoài sông Tiền và các kênh nội đồng để bổ cấp nước ngọt vào ao Phú Thành, Tân Thới nên đã gây thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện.
Người dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thiếu nước ngọt sử dụng. Ảnh: Nhật Huy |
Cũng theo công văn này, toàn huyện Tân Phú Đông có khoảng hơn 44.000 dân sử dụng nước sinh hoạt từ hệ thống cấp nước của Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Nhu cầu sử dụng của người dân hiện tại trên địa bàn huyện là 10.270 m3/ngày đêm, trong đó nguồn tự cung cấp là 2.500 m3/ngày đêm, nhận nguồn từ BOO là 6.000 m3/ngày đêm.
Như vậy, nguồn nước phục vụ thực tế là 8.500 m3/ngày đêm, còn thiếu 1.770 m3/ngày đêm. Vì vậy, việc vận chuyển nước ngọt (thô) từ phía Tây để bơm bổ cấp vào ao Phú Thạnh và ao Tân Thới để cấp nước sinh hoạt cho khoảng hơn 44.000 dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông là rất khẩn cấp.
Nhằm đảm bảo sức khỏe cộng đồng dân cư trên địa bàn, UBND huyện Tân Phú Đông đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH Một thành viên cấp nước Tiền Giang tham mưu trình UBND tỉnh Tiền Giang ban bố tình huống khẩn cấp thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn huyện Tân Phú Đông để vận chuyển nước ngọt bằng sà lan bơm vào các ao để phục vụ cấp nước kịp thời cho người dân trên địa bàn huyện Tân Phú Đông.