Sáng 23/3, tỉnh Vĩnh Long đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch địa phương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Ông Lữ Quang Ngời – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, quy hoạch tỉnh Vĩnh Long được công bố hôm nay là cơ sở để tỉnh thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; hướng tới đưa Vĩnh Long đạt tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày đặc sản Vĩnh Long bên lề hội nghị (Ảnh: CK). |
Lãnh đạo Vĩnh Long cam kết, sẽ thực hiện nghiêm các quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Cùng đó, địa phương sẽ nỗ lực để xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo quy hoạch mới, tới năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng; tăng trưởng kinh tế bình quân 7%/năm. Tới năm 2050, Vĩnh Long sẽ phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước. Quy hoạch xác định các đột phá, vùng kinh tế - xã hội; trục động lực phát triển...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: CK). |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, việc thực hiện quy hoạch không cầu toàn, nhưng cũng không nóng vội, luôn bám sát thực tiễn, điều kiện thực tế của địa phương để điều chỉnh cho phù hợp. Qua đó phát huy tối đa hiệu quả, các nguồn lực sẵn có. “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân và doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, quy hoạch tỉnh Vĩnh Long đã được xác định rõ, đưa ra được những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn… Vĩnh Long là nơi hội tụ các yếu tố của vùng ĐBSCL, vựa lúa, trái cây, thủy sản, tất cả đều có ở Vĩnh Long.
“Với vị trí tiếp giáp với 7 tỉnh, là trung tâm vùng, được bao quanh bởi sông Tiền và sông Hậu, là vùng đất hiền hòa, trù phú; có đường cao tốc, điều kiện giao thông tương đối thuận lợi. Là nơi địa linh nhân kiệt, truyền thống cách mạng hào hùng; nơi có văn hóa gạch gốm Mang Thít… Đó là những nét khác biệt và hiếm có mà Vĩnh Long cần khai thác, phát huy”, Thủ tướng nói thêm.
Dù vậy, Vĩnh Long và các địa phương trong khu vực đang đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, sụt lún, sạt lở, khô hạn, xâm nhập mặn… Bên cạnh đó, địa phương chưa có trung tâm công nghiệp lớn; hạn chế về thương mại, dịch vụ trong chuỗi cung ứng với cả nước, khu vực và thế giới…
Thủ tướng cùng lãnh đạo các bộ ngành, tỉnh Vĩnh Long xem sa bàn Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long (Ảnh: CK). |
Thời gian tới, Thủ tướng lưu ý, tỉnh Vĩnh Long cần phát triển bằng thế mạnh nhìn thấy trước, phát triển kinh tế nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp bằng các trung tâm sản xuất, chế biến liên kết với tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng, giảm chi phí logistics. Đi liền với đó là hoàn thiện hạ tầng chiến lược, đào tạo nhân lực chất lượng cao; tăng trưởng xanh chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn. Địa phương cũng cần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có môi trường kinh doanh tốt để thu hút nhà đầu tư.
Thủ tướng cũng lưu ý, các nhà đầu tư đến với vùng ĐBSCL cũng như Vĩnh Long bằng trách nhiệm, chia sẻ, cùng hành động, cùng thắng và cùng phát triển.
Thủ tướng giao các bộ ngành cắt giảm thủ tục hành chính, giải quyết các đề xuất của tỉnh kịp thời, hiệu quả, không để chạy ra chạy vào; giải quyết kịp thời các kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
“Cam kết phải thực hiện, hứa phải làm, làm phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp, lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ. Quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, không chần chừ, do dự, có trọng tâm trọng điểm”, Thủ tướng nói thêm.
Người đứng đầu Chính phủ tin tưởng, tỉnh Vĩnh Long sẽ phát triển theo tư duy đổi mới, sớm trở thành tỉnh phát triển khá, cùng ĐBSCL và cả nước ngày càng phát triển.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư cho 13 dự án đầu tư vào tỉnh, với tổng mức vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng.