Mỹ thấy dấu hiệu Iran đang lo lắng

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giới chức Mỹ tin rằng có dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo Iran đang lo lắng về hành động của các nhóm đại diện tại Iraq, Syria và Yemen, khi những lực lượng này gây gián đoạn kinh tế quốc tế và làm tăng đáng kể nguy cơ đối đầu trực diện giữa Iran với Mỹ.
Mỹ thấy dấu hiệu Iran đang lo lắng ảnh 1

Các tay súng của lực lượng Houthi ở Yemen. (Ảnh: AP)

Các quan chức nắm được thông tin tình báo của Mỹ nói với CNN, rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tiền đồn quân sự ở Jordan khiến 3 lính Mỹ thiệt mạng đang khiến Tehran bất ngờ và lo lắng.

Các lực lượng được Iran hậu thuẫn đã tiến hành hơn 160 cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ đóng ở khu vực này kể từ tháng 10/2023. Dẫu vậy, cuộc tấn công vào căn cứ trên sa mạc ở Jordan cuối tuần qua là vụ đầu tiên gây thiệt hại về người cho phía Mỹ, kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở Dải Gaza.

Tình báo Mỹ cũng nhận định Iran đang lo ngại các cuộc tấn công mà lực lượng Houthi ở Yemen thực hiện nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ có thể gây đảo lộn lợi ích kinh tế của cả Trung Quốc và Ấn Độ, hai đồng minh quan trọng của Iran.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ thừa nhận, lo lắng này có thể không khiến Tehran thay đổi chiến lược hỗ trợ các cuộc tấn công ủy nhiệm nhằm vào mục tiêu của Mỹ và phương Tây, dù có thể điều chỉnh mức độ để tránh gây ra chiến tranh tổng lực.

Các quan chức từ chối cho biết họ thu thập thông tin tình báo này qua kênh nào. Nhưng Washington thường sử dụng nhiều phương pháp như tuyển gián điệp và nghe lén thông tin liên lạc của Iran.

Ngày 30/1, lực lượng Kataib Hezbollah tại Iraq tuyên bố sẽ đình chỉ tất cả các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ, một nỗ lực rõ ràng để tránh làm theo thang tình hình hơn nữa.

Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ hoài nghi khả năng Iran sẽ thay đổi đáng kể chiến thuật của mình. Một quan chức quân sự Mỹ ở Trung Đông nói rằng Iran "khá hài lòng với mọi việc đang diễn ra".

Tạm lùi lại

Norm Roule, cựu chuyên gia phân tích cấp cao về Iran của CIA, nói với CNN rằng mục tiêu chính của Iran là "gây ra sự bất định để khiến Mỹ khó lựa chọn cách đáp trả”, trong khi vẫn còn “những tiếng nói ở Mỹ và châu Âu sẵn sàng chớp mọi cơ hội để thúc đẩy ngoại giao, dù có ít bằng chứng cho thấy cách này sẽ thành công”.

Tuy nhiên, ông Jonathan Lord, giám đốc chương trình An ninh Trung Đông tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho rằng tuyên bố của Kataib Hezbollah cho thấy việc dự đoán trước phản ứng của Mỹ có vẻ đã khiến Tehran lùi lại, “ít nhất là trong một thời gian”.

Có dấu hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Iran lo ngại cuộc tấn công vào hoạt động vận chuyển hàng hoá trên Biển Đỏ mà Houthi thực hiện khiến tình hình leo thang và gây thiệt hại kinh tế toàn cầu.

Ấn Độ bị ảnh hưởng nhiều khi Houthi tấn công một số tàu có thủy thủ đoàn Ấn Độ hoặc đang trên đường tới Ấn Độ. Để đối phó, Chính phủ Ấn Độ đã điều một số tàu chiến tới Biển Ả Rập.

Hai hãng vận tải biển lớn của Trung Quốc cũng đã phải chuyển hướng nhiều tàu vận tải sang tuyến đường dài hơn qua cực nam châu Phi, làm tăng thêm đáng kể chi phí vận chuyển. Ngày 30/1, Bắc Kinh nêu quan ngại về tình hình và kêu gọi chấm dứt tấn công vào tàu dân sự.

“Chúng tôi đang nhận thấy những dấu hiệu lo ngại ngày càng tăng từ Tehran về tình trạng Houthi thiếu thông tin cụ thể khi tấn công. Việc chuyển hướng tất cả tàu thương mại khỏi Biển Đỏ gây ra hậu quả tiềm tàng đối với Iran từ các quốc gia không liên quan”, một quan chức Mỹ cho biết.

Cái chết của 3 lính Mỹ cùng với các cuộc tấn công vào tàu thương mại có thể đã đưa Mỹ và Iran đến gần bờ vực chiến tranh trực diện hơn mong muốn của cả hai bên.

Ngày 31/1, Tư lệnh Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran Hossein Salami cho biết Iran “không theo đuổi chiến tranh, nhưng chúng tôi không sợ chiến tranh”.

Theo CNN
MỚI - NÓNG