Cận Tết đi 'bán mặt cho đất, bán lưng cho trời' kiếm nửa triệu mỗi ngày
TPO - Mỗi ngày đi cấy thuê, tùy vào việc cấy theo ngày công hay nhận khoán, mỗi người thợ có thể kiếm từ 300 đến 500 nghìn đồng/1 ngày. Công việc không quá vất vả nhưng phải cúi liên tục nên khiến người làm đau lưng, mỏi gối.
Người dân đi cấy thuê kiếm từ 300 nghìn đến 500 nghìn đồng ở Nghệ An.
Giáp tết Nguyên đán 2024 là cao điểm vụ cấy lúa Xuân ở Nghệ An. Những ngày này, khắp các cánh đồng lúa ở huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu đều nhộn nhịp cảnh người nông dân làm ruộng, cấy lúa. Do máy móc chưa có nhiều nên người dân vẫn chủ yếu làm bằng sức người từ việc cày đến cấy.
Việc cấy lúa thường chỉ kéo dài trong vài ba tuần. Trong khi đó nhiều hộ gia đình neo người nên buộc phải thuê người về cấy để kịp mùa vụ. "Cấy này mình phải theo làng, theo xã. Ruộng mọi người cấy thì mình cũng phải cấy. Nếu cấy sau thì không được, không kịp để lúa phát triển. Vậy nên gia đình phải thuê người về cấy cho kịp. Nhà tôi năm nay cấy hơn 1 mẫu, phải thuê 1 nhóm 6 người về cấy", anh Trần Văn Trường (trú xã Quỳnh Giang, Quỳnh Lưu, Nghệ An) chia sẻ.
Thông thường những người đi cấy thuê sẽ tập hợp lại thành một nhóm để tiện liên lạc và tổ chức đi cấy thuê. Các nhóm nhận cấy thuê không chỉ nhận ruộng khu vực gần mà còn nhận khu vực xa ở các huyện khác nên đôi khi phải đi xe máy và mang theo cơm, nước để tranh thủ ăn rồi làm cho kịp.
Trước khi cấy, chủ ruộng sẽ nhổ mạ (lúa non) rồi đưa đến cho người làm thuê cấy. Hoặc các chủ ruộng sẽ gieo mạ ngay trên khu vực ruộng cấy để tiện nhổ và cấy.
Những khu vực xa được các chủ nhà dùng xe kéo đưa mạ đến ruộng để cấy.
Trước khi cấy lúa, ruộng sẽ được chủ ruộng cày và san bằng phẳng để lúa có thể phát triển tốt hơn.
Chị Nguyễn Thị Tuyết (trú xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho hay, nhóm cấy lúa thuê của chị có 6 người. Ngoài nhận cấy gần nhà, nhóm của chị thỉnh thoảng cũng đi các huyện khác. Phần lớn những người làm nghề này đều là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trung tuổi.
Chị Tuyết cho biết thêm, người đi cấy thuê không cần giỏi, không cần kỹ thuật tốt hay khéo léo gì nhưng cần sức khỏe tốt. "Người đi cấy lúa thuê phải có sức khỏe tốt mới bám trụ được. So với nghề khác không nặng nhọc, vất vả lắm nhưng cả ngày phải cúi khom lưng, chân tay ngâm dưới bùn nên tối về lưng lại đau ê ẩm, mỏi gối. Đôi khi đêm nằm chưa ngủ được thì sáng đã phải dậy sớm để đi cấy cho kịp", chị Tuyết chia sẻ.
Thông thường người đi cấy thuê sẽ nhận được tiền công từ 300 đến 350 nghìn đồng nếu cấy theo ngày công. Nếu nhận khoán cấy theo ruộng, người thợ có thể nhận được 500 nghìn đồng. Tuy nhiên việc này sẽ khiến người thợ mệt nhọc hơn.
Cúi cấy nhiều mệt, thỉnh thoảng những người thợ lại phải đứng dậy để hít thở cho thẳng lưng rồi mới tiếp tục cúi xuống cấy lúa.
Thông thường người thợ sẽ cầm 1 nắm mạ trên tay rồi thoăn thoắt tách 1 hoặc 2 cây và cắm sâu xuống lớp đất bùn.
Những cây lúa được người thợ cấy không quá dày cũng không quá thưa, vừa đủ để cây lúa lớn lên và phát triển tốt.
Nghề cấy lúa thuê mỗi năm chỉ có 2 vụ, mỗi vụ kéo dài vài ba tuần nên các thợ cấy thường tranh thủ làm thật nhanh các ruộng để nhận tiếp những ruộng mới.. “Phải tranh thủ cho kịp chứ hết mùa thì muốn đi cấy thuê cũng không được. Vậy nên có mệt cũng phải cố gắng ít ngày, Dịp này, nếu chăm chỉ cấy thuê đến Tết chắc tôi cũng kiếm được 8-9 triệu đồng, có thêm tiền sắm Tết” - chị Cao Thị Luân (trú xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu) nói.
Dưới cái nắng chang chang, những người thợ cấy lúa thuê vẫn miệt mài "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để mưu sinh.