Kỹ nghệ làm hương đen làng Chóa

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuối thu, tiết trời se lạnh, những gia đình làm hương đen làng Chóa (xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) lại tất bật vào vụ Tết. Hàng trăm năm qua, người làng Chóa giữ gìn “bí quyết” tạo ra những que hương có mùi thơm quyến rũ đặc trưng.
Kỹ nghệ làm hương đen làng Chóa ảnh 1
Cả đời anh Ngô Bá Thành dành tâm huyết với nghề làm hương đen. Ảnh: Nguyễn Thắng

“Bí quyết” lưu truyền qua nhiều thế hệ

Nhà tôi ở bên này sông Cầu, còn làng Chóa bên kia sông. Bởi thế, tuổi thơ của tôi có miền ký ức tươi đẹp về nghề làm hương đen làng Chóa nức tiếng gần xa. Cứ đến tháng Chạp hằng năm, tôi lại theo mẹ sang bên kia sông Cầu để mua bằng được hương đen làng Chóa về thắp trên bàn thờ tổ tiên dịp Tết. Ở làng Chóa, anh Ngô Bá Thành là người nổi tiếng về làm hương. Lúc tôi đến, nhà anh chất đầy những bó hương đen các loại chuẩn bị bán cho khách. Năm nay, anh Thành bước sang tuổi 55, mái tóc hoa râm. Vốn chỗ quen biết, nhiều lần tâm tình nên anh Thành mới mở lòng, bật mí “bí quyết” về kỹ nghệ làm hương đen làng Chóa.

Nhâm nhi chén trà nóng trong tiết trời lạnh, mùi thơm của những que hương tỏa khắp nhà, anh Thành thủng thẳng kể, gia đình anh có nhiều thế hệ làm nghề hương đen. “Bí quyết” làm hương đen làng Chóa được người cha truyền lại cho anh từ những ngày anh còn nhỏ. Để làm ra những que hương đen nức tiếng, người làng Chóa trải qua nhiều công đoạn rất kỳ công. Nguyên liệu làm hương hoàn toàn tự nhiên, không có hóa chất. Hương đen làng Chóa được làm từ nhựa trám, than hoa. Nhựa trám được anh Thành lựa chọn kỹ và mua từ những mối quen biết lâu năm ở vùng Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Than hoa nghiền nát. Nhựa trám đun sôi kỹ, rồi lọc cặn bã. Sau đó, nhựa trám còn nóng hòa vào than hoa đã nghiền nhỏ mịn, quấy đều cho nhuyễn thành bột nguyên liệu để làm hương. “Quá trình làm nguyên liệu, quan trọng nhất là lúc nấu nhựa trám sao cho đạt độ chín để dậy mùi thơm. Mỗi mẻ nhựa trám lại có thời gian đun sôi khác nhau. Những người làm nghề lâu năm như tôi mới cảm nhận và ước lượng được khoảng thời gian đun sôi nhựa trám đạt đến độ thích hợp”, anh Thành chia sẻ.

Kỹ nghệ làm hương đen làng Chóa ảnh 2
Người dân làng Chóa se hương bằng tay đầy điêu luyện. Ảnh: Nguyễn Thắng

Theo anh Ngô Bá Thành, hương đen làng Chóa bán khắp cả nước và xuất cho người Việt ở nước ngoài vào dịp Tết. Mỗi năm, gia đình anh bán hơn 80 vạn que hương.

Anh Thành đưa tôi một nắm bột mịn, có màu vàng, mùi thơm dịu, rồi rỉ tai tôi bảo, đây là “bí quyết” riêng của gia đình anh để giúp những que hương giữ được mùi thơm đặc trưng. Dù để nhiều năm, hương nhà anh vẫn giữ nguyên được mùi thơm ngào ngạt như lúc ban đầu. Thứ bột này được làm từ vỏ của một loại quả rất phổ biến ở các làng quê. Trong quá trình xử lý nguyên liệu để làm hương, anh Thành đều pha thêm chút bột này để hương có được mùi thơm dịu đặc trưng. Khi đốt, que hương tỏa ra mùi thơm như cảm thấy có không khí Tết trong nhà. Tôi lân la hỏi về thứ bột diệu kỳ này, nhưng anh Thành nhất quyết không tiết lộ.

Đang dở câu chuyện, anh Thành kéo tôi vào nhà để tôi có thể “mục sở thị” kỹ nghệ se hương bằng tay điêu luyện của người làng Chóa. Một chiếc ghế bằng gỗ dài gần 1 mét, rộng chừng 30 cm, kê ngang tầm bụng dùng để se hương. Nguyên liệu làm hương được hấp nóng trong nồi cơm điện cho dẻo. Anh Thành lấy một nắm nguyên liệu và tăm hương, rồi dùng tay se đi se lại trên chiếc ghế gỗ để nguyên liệu quyện vào tăm hương. Những que hương đen làng Chóa dần được hình thành trong lòng bàn tay anh Thành. Đôi tay anh Thành uyển chuyển, nhịp nhàng di chuyển trong lúc se hương. Một người làm thành thục như anh Thành có thể se được hơn 1.000 que hương loại nhỏ/ngày (loại hương dài 1 mét thì se được khoảng 300 que/ngày). Cả nghìn que hương se bằng tay tròn đều như nhau, không khác làm máy. Đôi tay anh chai sạn vì se hương quanh năm suốt tháng.

Kỹ nghệ làm hương đen làng Chóa ảnh 3
Nguyên liệu làm hương đen làng Chóa hoàn toàn tự nhiên với mùi thơm đặc trưng. Ảnh: Nguyễn Thắng

Cầm que hương đen tỏa ngát mùi thơm dịu trên tay, anh Thành chia sẻ, từ trước đến nay, gia đình anh và nhiều nhà khác ở làng Chóa vẫn se hương bằng tay. Bởi lẽ, se hương bằng tay giúp giữ được đặc trưng của hương đen làng Chóa từ bao đời nay. Que hương không bị nứt vỡ và đặc biệt để se bằng tay thì hương không được thêm hóa chất. Bởi vậy, que hương có độ bền và lưu giữ được mùi thơm trong thời gian dài. “Hương đen làng Chóa làm rất kỳ công nên vẫn giữ được nét đặc trưng của ông cha truyền lại. Dù để hàng năm trời, những que hương của chúng tôi vẫn giữ được nguyên mùi thơm và hương có rơi xuống nước đốt vẫn cháy”, anh Thành cho hay.

“Làm hương đen không chỉ là một nghề kiếm sống, chúng tôi dồn vào từng que hương bao tâm huyết và tâm tình để mang không khí Tết đến các gia đình”.

Anh Ngô Bá Thành

Thăng trầm hương đen làng Chóa

Tôi và anh Ngô Bá Thành đang trò chuyện rôm rả về kỹ nghệ làm hương đen làng Chóa thì có khách đến chơi. Đó là ông Ngô Bá Tỷ. Ông Tỷ là một cao niên trong làng. Năm nay, ông đã ngoài 80 tuổi. Ngày trước, ông Tỷ cũng là người làm hương nổi tiếng. Giờ tuổi cao, ông không còn làm hương, nhưng nỗi nhớ nghề của ông cha vẫn âm ỉ trong ông. Ông Tỷ kể, ngày còn nhỏ, ông nghe những người già trong làng nói chuyện về nghề làm hương đen ở làng Chóa tồn tại rất lâu đời, không ai biết rõ có từ bao giờ. Cứ thế, hương đen làng Chóa được lưu truyền qua các thế hệ, với nhiều thăng trầm.

Ông Tỷ nhớ lại, thập niên 1970 – 1980 là thời điểm hoàng kim của làng nghề, gần như cả làng Chóa, với vài trăm hộ đều làng hương đen. Lúc đó, cứ đến cuối mùa thu, tiết trời se lạnh, người làng Chóa lại vào vụ hương Tết. Ngày trước, người làng Chóa không làm hương quanh năm mà chỉ làm hương bán dịp Tết. Cao điểm nhất là vào tháng Chạp. Những năm xa ấy, cứ đến vụ hương Tết, cả làng nhộn nhịp mang hương đi bán. Mùi thơm của hương tỏa ra từ trong từng gia đình, lan ra khắp làng xóm làm không khí Tết rộn ràng từ đầu tháng Chạp. “Những năm ấy, người làng Chóa làm hương bán dịp cuối năm để kiếm thêm tiền mua thịt, gạo nếp, bánh pháo để chuẩn bị đón Tết. Người dân trong làng gồng gánh, đi xe đạp tỏa khắp các chợ ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nội bán hương, rồi có người theo đường thủy đi thuyền xuôi xuống mạn Hải Phòng nhập hương cho các thương lái, mang không khí Tết đến các làng quê, phố phường. Lúc đó, làng nghề nhộn nhịp lắm”, ông Tỷ bồi hồi nhớ lại.

Khoảng chục năm trở lại đây, người làm hương đen ở làng Chóa cứ teo tóp dần. Từ vài trăm hộ, giờ chỉ còn khoảng vài chục gia đình còn theo nghề này. Bởi lẽ, các khu công nghiệp hình thành, người làng Chóa đổ xô đi làm công nhân vì thu nhập cao hơn nghề làm hương. Trong làng, có khoảng 50 hộ vẫn còn yêu nghề của ông cha nên đã dành tâm huyết để bền bỉ làm hương đen thủ công. “Tính ra, vợ chồng tôi thu được khoảng 600 nghìn đồng/ngày. Thu nhập chưa phải là cao, nhưng nghề làm hương đen truyền thống đã ngấm vào máu của mình nên tôi vẫn duy trì, nâng niu nghề của tổ tiên để lại”, anh Thành cho hay.

MỚI - NÓNG