Chờ... lộ phí
Qua một năm đầy khó khăn, chị Bùi Thu Trang (quê Nam Định, công nhân ở thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương) cũng như bao đồng nghiệp khác, băn khoăn chuyện có nên về quê hay không.
Hai năm nay, vợ chồng chị Trang chưa về quê ăn Tết dù hai con nhỏ đang ở quê với ông, bà nội. “Năm nào cũng tính sẽ về quê nhưng gần tới ngày lại hủy ý định. Ai xa quê mà chẳng muốn về, nhất là dịp Tết. Điều tôi trăn trở lúc này là lộ phí. Những năm qua, Cty đều thưởng một tháng lương cơ bản nhưng tôi gửi hết về quê cho ông, bà. Năm nay, vợ chồng cũng tính về quê ăn Tết nhưng chưa quyết định”, chị Trang chia sẻ.
Trong căn phòng trọ 15m2 ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chị Phan Thị Nữ (quê An Giang) bật khóc khi nhắc đến Tết. Chị Nữ cho biết, quê chị cách Bình Dương chỉ vài trăm cây số, có thể đi bằng xe máy nhưng chị vẫn ở lại đất khách ăn Tết nhiều năm nay. “Công việc của hai vợ chồng bấp bênh cả năm. Tổng thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng nhưng phải nuôi 3 con ăn học. Nhiều năm nay, tôi chưa về quê, tích góp được một vài triệu thì gửi về cho mẹ sắm đồ Tết chứ không dám về”- chị Nữ bộc bạch.
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Bình Dương. |
Tâm sự với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Đông (quê Thanh Hóa, công nhân Cụm công nghiệp Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, Bình Dương) nói rằng, năm nào anh cũng được Cty tặng vé xe về quê song vẫn quyết định ở lại. Anh Đông chia sẻ: “Tôi muốn về chung với vợ, trong khi chỉ được tặng một vé. Vợ tôi say xe nên phải có người ngồi bên cạnh để tiện chăm sóc. Đây chính là lý do dù được tặng vé xe miễn phí, tôi vẫn không về. Mới đây, tôi có trình bày hoàn cảnh với phòng nhân sự Cty và được hứa sẽ xem xét, tạo điều kiện. Chi phí đi lại tới hơn 5 triệu đồng, với chúng tôi đây là khoản tiền không hề nhỏ. Nếu được Cty tặng vé xe cho cả vợ chồng, chắc chắn chúng tôi sẽ về”.
“Chúng tôi xây dựng hình ảnh Bình Dương thân thiện, nghĩa tình, do đó công tác an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm. Công nhân lao động trên địa bàn hầu hết là người ngoại tỉnh, dịp Tết Nguyên đán hằng năm, chúng tôi đều huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ trên tinh thần “ai cũng có Tết sum vầy”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà
Quê ở tỉnh Vĩnh Long, chỉ cách tỉnh Bình Dương khoảng 160km nhưng suốt 18 năm qua, chị Kim Thị Địch, công nhân Cty nội thất ở phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, chưa về quê. Chị Địch trải lòng: “Thu nhập chỉ đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày. Năm nào tôi cũng có ý định về quê ăn Tết nhưng gần đến ngày về, trong túi chỉ còn vài triệu đồng nên quyết định ở lại đất khách. Tôi nghe nói năm nay, Cty có thưởng thâm niên, nếu có tôi sẽ về”.
Không để ai bị bỏ lại phía sau
“Công nhân phấn khởi, bản thân doanh nghiệp cũng hưởng lợi. Khi mình vì họ, chắc chắn họ sẽ nỗ lực vượt khó để yên tâm gắn bó với Cty. Sau khi bàn bạc, chúng tôi thống nhất ứng tiền của đối tác để chăm lo tết cho công nhân. Chúng tôi trình bày rõ mục đích sử dụng tiền và được đối tác chấp thuận. Đối với những công nhân khó khăn, ngoài tiền thưởng, Cty bố trí xe đưa rước cả hai chiều về quê và trở lại”- ông Nguyễn Thái Bình, Giám đốc Cty TNHH Đầu tư xây dựng Khang Trang cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, dù trải qua một năm đầy khó khăn song nhiều doanh nghiệp tìm đủ mọi cách để lo chu toàn cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Không ít doanh nghiệp đi vay tiền để thưởng cho người lao động. “Công nhân làm vất vả cả năm. Tôi biết có những người không dư đồng nào và họ hy vọng vào tháng cuối năm. Thấu hiểu được cái họ cần nên chúng tôi quyết định bất kể Cty khó khăn đến mấy, người lao động cũng phải có thưởng” - đại diện lãnh đạo một Cty may mặc ở Bình Dương chia sẻ.
Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết, năm 2023, toàn tỉnh có 127.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, tập trung ở ngành da giày, may mặc, chế biến gỗ. Về thưởng Tết Nguyên đán 2024, trung bình các doanh nghiệp đều thưởng một tháng lương cơ bản ở mức từ 6,5 - 6,8 triệu đồng/người, thấp nhất là 4,68 triệu đồng/người.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Bình Dương cho biết, công đoàn phối hợp với doanh nghiệp để chăm lo cho người lao động trên tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, ai cũng được về quê ăn Tết. Công đoàn xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí hơn 353 tỷ đồng, tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán 2024 như tặng quà cho gần 82.900 người với phần quà trị giá 500.000 đồng, tổng kinh phí 41,4 tỷ đồng, hỗ trợ 5.000 vé tàu khứ hồi trị giá 20 tỷ đồng và 2.700 vé ô tô trị giá 1,89 tỷ đồng.
Theo bà Trân, đối với công nhân lao động không có nhu cầu về quê, Liên đoàn Lao động Bình Dương đề xuất và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận hỗ trợ 46.500 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng từ ngân sách (tương ứng 46,5 tỷ đồng) cho các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở lại Bình Dương đón Tết. Ngoài ra, công đoàn tổ chức chợ Tết Công đoàn với kinh phí 6,5 tỷ đồng cho công nhân lao động mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Hàng hóa được giảm giá 50% so với thị trường và còn bố trí gian hàng 0 đồng.