Ngày 18/11, tại xã An Lập, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương đã diễn ra lễ triển khai thi công dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, cùng lãnh đạo sở ngành nhiều tỉnh, đơn vị về dự buổi lễ.
Dự án này được khởi công vào năm 2009, do thiếu nguồn vốn đến năm 2011 bị đình hoãn thi công. Sau 12 năm dừng thi công, đến nay, dự án được tái khởi động với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh.
Dự án đoạn Chơn Thành – Đức Hòa đi qua các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, và Long An, là 3 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 72,75 km (điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Điểm cuối giao với Quốc lộ N2- nay là đường Hồ Chí Minh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 31,6km đã giải phóng mặt bằng quy mô rộng 40m.
Lễ thi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa |
Tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Thời điểm hiện tại, Dự án được xây dựng theo tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương đường cấp III đồng bằng, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô đường cao tốc 6 làn xe. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Khi tuyến đường được đưa vào sử dụng sẽ chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ. Từ đây kết nối hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Được biết, dự án đoạn Chơn Thành – Đức Hòa do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Chủ đầu tư), Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị trúng thầu thi công xây lắp gói thầu có giá trị hơn 681 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày.
Vị trí thi công dự án tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương |
Qua khảo sát, hiện nay các mỏ vật liệu tại địa phương không đáp ứng trữ lượng như thiết kế. Các đơn vị đang kiến nghị với chủ đầu tư, các địa phương nơi có dự án đi qua cùng nhà thầu khảo sát đánh giá lại nguồn cung vật liệu…
Về phía tỉnh Bình Dương, lãnh đạo tỉnh và Sở giao thông cho biết, dự án được khởi công lại mở ra không gian kết nối ở phía Bắc tỉnh Bình Dương với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Qua đây cũng tạo ra không gian để phát triển đô thị và dịch vụ ở phía Bắc tỉnh Bình Dương.
Để dự án được triển khai đúng tiến độ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu, chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể phương án thi công. Huy động máy móc, nhân lực để triển khai thi đông đảm bảo chất lượng, tiến độ, an toàn...
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề nghị các tỉnh Long An, Tây Ninh, Bình Dương quan tâm hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên nguồn vật liệu cho dự án.