Chính phủ đề xuất năm cơ chế đặc thù gỡ vướng cho các dự án đầu tư xây dựng cao tốc, quốc lộ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Thủ tướng xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình…

Chiều 27/10, Quốc hội thảo luận về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Chính phủ đề xuất năm cơ chế đặc thù gỡ vướng cho các dự án đầu tư xây dựng cao tốc, quốc lộ ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Như Ý

Tờ trình nêu năm nhóm chính sách, cụ thể:

Chính sách 1 về tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP (Điều 4): Đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo quy định hiện hành, tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư dự án.

Tuy nhiên thực tế hiện nay, một số dự án giao thông đường bộ có tổng mức đầu tư lớn, trong khi nhu cầu vận tải chưa cao nên cần có sự tham gia vốn Nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Chính sách 2, về thẩm quyền thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua các địa phương (Điều 5): Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND cấp tỉnh có khả năng bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương (bao gồm cả vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, nếu có) làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án đường quốc lộ, đường cao tốc đi qua địa phương mình.

Quy định hiện hành, không cho phép địa phương là cơ quan chủ quản, sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư các dự án đầu tư quốc lộ, cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương.

Vì vậy, việc đề xuất chính sách này nhằm phát huy được tối đa các tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách và trách nhiệm của người đứng đầu địa phương.

Chính sách này áp dụng cho bảy dự án thuộc địa bàn các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Hậu Giang, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bình Phước.

Chính sách số 3 về các dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương (Điều 6): Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định giao một UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện đầu tư dự án giao thông đường bộ qua nhiều địa phương và sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương khác để đầu tư thực hiện dự án.

Chính sách này áp dụng cho 10 dự án thuộc địa bàn các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Bắc Ninh, Hải Dương, Đà Nẵng, Quảng Nam, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đồng Tháp.

Chính sách 4 về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7): Nhà đầu tư, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông đường bộ.

Cuối cùng, chính sách số 5 về cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022..

Những cơ chế đặc thù được đề xuất, Chính phủ kiến nghị cho áp dụng tới hết năm 2025. Mỗi cơ chế sẽ "đính kèm" danh mục dự án cụ thể được áp dụng tại các địa phương.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết.

Tuy nhiên, có ý kiến không tán thành với các đề xuất của Chính phủ do việc triển khai một số cơ chế, chính sách chưa rõ về kết quả tích cực nhưng có thể dẫn đến hệ lụy tiêu cực.

Vì vậy, đề nghị bổ sung đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, cụ thể hơn về tác động của các chính sách, làm rõ hơn đối với tác động đến thu, chi ngân sách Nhà nước.

MỚI - NÓNG