Những điểm nghẽn trong liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 27/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Hậu Giang tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Liên kết vùng trong phát triển nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Hội thảo nhằm làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về liên kết vùng trong phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đề xuất giải pháp nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả liên kết vùng ở ĐBSCL; góp phần triển khai Nghị quyết số 13 ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Những điểm nghẽn trong liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: CK

Nhiều điểm yếu

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về liên kết vùng, ngày 21/11/2016, tại hội nghị lần thứ nhất Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, các tỉnh/thành trong vùng đã thông qua Nghị quyết liên kết, phối hợp toàn vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, trong đó đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát của liên kết vùng.

Nghị quyết đề ra mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội của từng địa phương xét trong lợi thế so sánh của toàn vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, trách nhiệm, bình đẳng, cùng khai thác các cơ hội, lợi thế so sánh của vùng, góp phần khẳng định vai trò, vị trí vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL so với cả nước.

Những điểm nghẽn trong liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2

Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CK

Thực hiện nghị quyết, trong thời gian qua, việc liên kết vùng ở ĐBSCL đã đạt được một số tiến bộ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hoạt động liên kết vùng, tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả, từ đó đã không có lợi cho việc phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, sự liên kết nhằm phát huy lợi thế của những yếu tố sản xuất ở các địa phương trong vùng chưa được coi trọng đúng mức và hiệu quả chưa cao; mức độ kết nối và liên thông về kết cấu hạ tầng còn yếu; sự kết nối, liên kết giữa các ngành kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ - du lịch trong vùng chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, chưa hình thành được chuỗi giá trị về sản xuất hàng hóa và dịch vụ trong vùng.

Sự hợp tác và phối hợp trong bảo vệ môi trường còn chưa tốt; sự kết nối, liên kết giữa các địa phương dựa trên quy hoạch cũng như việc xây dựng, hình thành thể chế chính sách thống nhất về thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới khoa học công nghệ và chia sẻ thông tin... cũng còn một số bất cập. Bên cạnh đó, liên kết trong phát triển kinh tế - xã hội giữa ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ, đặc biệt là TPHCM hiệu quả chưa cao…

Tư duy về liên kết chậm đổi mới

Theo ông Lợi, những hạn chế, bất cập trong liên kết vùng ở ĐBSCL do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là tư duy về liên kết vùng chậm đổi mới, một số địa phương chưa thấy được sự cần thiết và lợi ích của việc tăng cường liên kết vùng, chỉ quan tâm đến địa phương mình mà chưa đặt trong mối quan hệ, liên kết với các địa phương khác trong vùng.

Thiết chế điều tiết, điều phối liên kết vùng hoạt động chưa hiệu quả. Cơ chế điều phối, kết nối vùng còn nhiều bất cập, quy hoạch tổng thể phát triển của vùng nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện liên kết vùng chậm được ban hành. Các địa phương trong vùng có trình độ phát triển và điều kiện, lợi thế, các yếu tố sản xuất tương đối thuần nhất, ít tạo ra sức hấp dẫn cho liên kết giữa các địa phương. Kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông còn lạc hậu và thiếu đồng bộ…

Những điểm nghẽn trong liên kết vùng của Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: CK

Theo ông Đồng Văn Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thực hiện Nghị quyết 21 và Kết luận số 28 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2020, những năm qua các cấp, các ngành, nhất là các địa phương trong vùng đã nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vùng; tư duy về phát triển vùng đã có nhiều đổi mới; tiềm năng, lợi thế của vùng đã từng bước được khai thác hợp lý, phát huy hiệu quả.

Ngày 27/9 vừa qua, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL đã chủ trì hội nghị lần thứ nhất về Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, trên tinh thần phát huy tối đa vai trò của Hội đồng vùng để triển khai đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị đã đề ra.

“Qua hội thảo nhằm đánh giá đúng thực trạng liên kết vùng và đề xuất giải pháp tăng cường và đổi mới liên kết vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của vùng ĐBSCL trong bối cảnh mới, đánh thức và phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đất 'Chín Rồng', tạo ra nhiều cơ hội và lợi ích cho khu vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững; đóng góp mới cho sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn tới” – ông Thanh phát biểu.

"Tuy kinh nghiệm thực tiễn khá phong phú, nhưng các tham luận đều cho rằng, để nâng cao hiệu quả liên kết vùng, cần phải coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, xây dựng thiết chế hoạt động hiệu quả để điều tiết, điều phối hoạt động liên kết giữa các lĩnh vực... Các tham luận cũng đã phân tích ưu điểm, kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế, bất cập thời gian qua, đồng thời chỉ rõ một số vấn đề đang đặt ra trong thực hiện liên kết vùng ở ĐBSCL..." - Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
Ngư dân ở Lăng Cô trắng tay
TPO - Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên đầm Lập An, chưa bao giờ người dân thị trấn Lập An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, lại chịu những thiệt hại dồn dập về nhà cửa, khu hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cá bị trôi mất, bị chết do sốc ngạt nước như hiện nay.