Chiều tối 29/9, một số tuyến đường ở TPHCM như Trần Xuân Soạn (quận 7), Nguyễn Ngọc Cung (quận 8), Nguyễn Văn Luông (quận 6),… bị ngập do triều cường. |
Theo ghi nhận của PV, điểm giao giữa đường Nguyễn Văn Luông với đường Võ Văn Kiệt và một đoạn ngắn đường Võ Văn Kiệt (cạnh cầu Lò Gốm, quận 6) bị ngập sâu khiến các phương tiện di chuyển khó khăn. |
Nước ngập làm nhiều phương tiện bị “chết máy”, người dân phải bì bõm lội nước. |
Nhiều người điều khiển phương tiện di chuyển vào sát lề đường để tránh điểm ngập sâu. |
Các em nhỏ bì bõm lội nước. |
Nước ngập khiến việc hoạt động của các hàng quán bị ảnh hưởng. |
Một đoạn đường Nguyễn Ngọc Cung (phường 16, quận 8) bị ngập do triều cường. |
Mực nước rạch Ruột Ngựa dâng cao đến ngang mặt đường Nguyễn Ngọc Cung. |
Nước từ hệ cống tràn lên làm ngập một số tuyến hẻm trên đường Nguyễn Văn Luông (phường 10, quận 6). |
"Khu vực này khá thấp và thường xuyên ngập khi có triều cường. Mỗi lần nước ngập là kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ, sau đó mới rút dần"- bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (ngụ đường Nguyễn Văn Luông, phường 10, quận 6) chia sẻ. |
Các phương tiện di chuyển tránh điểm ngập trên đường Nguyễn Văn Luông (quận 6). |
Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, trong 24 giờ qua, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai lên nhanh theo kỳ triều cường Rằm tháng 8 Âm lịch và ở mức cao.
Đến sáng 29/9, mực nước đỉnh triều cao nhất đo tại trạm Nhà Bè (sông Đồng Điền) đạt xấp xỉ Báo động III.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, mực nước tại hầu hết các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai tiếp tục lên trong 2-3 ngày tới.
Đỉnh triều đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày mai 30/9 đến ngày 2/10 (tức 16-18/8 Âm lịch).
Tại trạm Phú An và trạm Nhà Bè ở khoảng 1,60-1,65m xấp xỉ hoặc cao hơn Báo động III: 0,05m. Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 17-19h.