Đất rừng Đắk Nông bị lấn chiếm, đề nghị kiểm điểm lãnh đạo công ty lâm nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lãnh đạo Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (Đắk Nông) bị đề nghị xem xét kiểm điểm, liên quan đến việc nhiều héc-ta đất rừng do đơn vị quản lý bị lấn chiếm, dựng nhà trái phép.

Mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã ban hành kết luận thanh tra về công tác quản lý, bảo vệ rừng bền vững tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên (gọi tắt Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, huyện Tuy Đức, Đắk Nông). Công ty này trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, tiền thân là Lâm trường Quảng Trực.

Tổng diện tích đất, rừng Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang quản lý, sử dụng hơn 27.000 héc-ta (ha). Quá trình thanh tra đã phát hiện nhiều tồn tại, khuyết điểm.

Đất rừng Đắk Nông bị lấn chiếm, đề nghị kiểm điểm lãnh đạo công ty lâm nghiệp ảnh 1

Một phần đất thuộc quản lý của Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên

Cụ thể, qua thanh tra cho thấy, trong thời kỳ từ năm 2008-2022, trên lâm phần do Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên quản lý để xảy ra tình trạng lấn, chiếm, sử dụng đất trái phép, với tổng diện tích hơn 3.250ha. Trong đó, có 11 trường hợp là người lao động công ty chiếm, sử dụng trái phép 143.820m2 và đã xây dựng 12 căn nhà, trồng cây công nghiệp.

Công ty đã xác định, thống kê được 365 trường hợp lấn chiếm với hơn 2.000ha; đã xử lý 230 trường hợp với diện tích đất 631,94ha đưa vào thực hiện giao khoán, liên kết; kiến nghị xử phạt hành chính 6 căn nhà trái phép.

Còn hơn 1.000ha đất bị lấn chiếm và 347 căn nhà dựng trái phép, đến cuối năm 2022 vẫn chưa được xử lý, giải quyết dứt điểm.

Đất rừng Đắk Nông bị lấn chiếm, đề nghị kiểm điểm lãnh đạo công ty lâm nghiệp ảnh 2

Trạm bảo vệ rừng của Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên được làm toàn bằng gỗ

Để xảy ra tình trạng trên, Thanh tra tỉnh kết luận trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng qua các thời kỳ là Lâm trường Quảng Trực (cũ), Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên.

Cụ thể, trách nhiệm người đứng đầu thuộc về ông Trần Minh Đức - Giám đốc Lâm trường Quảng Trực thời kỳ 2004-2007, Giám đốc Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên thời kỳ 2008-2017; ông Phạm Hòa Dũng - Giám đốc công ty thời kỳ 2018-2022, ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch công ty thời kỳ 2020-2022, do chưa quyết liệt trong kiến nghị đề xuất và phối hợp cơ quan chức năng xử lý dứt điểm những tồn tại trên.

Đất rừng Đắk Nông bị lấn chiếm, đề nghị kiểm điểm lãnh đạo công ty lâm nghiệp ảnh 3

Trạm bảo vệ rừng của Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên từng bị cho phản cảm khi sử dụng toàn bằng gỗ

Ngoài ra, Thanh tra tỉnh còn phát hiện, trong xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2020, 2021, Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và các đơn vị liên quan chưa cập nhật kịp thời diện tích rừng tự nhiên biến động (giảm 30,27ha), nên nghiệm thu, thanh toán tiền dịch vụ môi trường rừng vượt thực tế với số tiền hơn 50 triệu đồng không đúng quy định.

Thanh tra tỉnh đã kiến nghị giao Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông xem xét kiểm điểm, chấn chỉnh trách nhiệm đối với Giám đốc, Chủ tịch Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên liên quan các hạn chế, khuyết điểm trên.

Trong kết luận thanh tra còn nêu việc Cty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đã sử dụng gỗ ngã đổ để làm nhà trạm quản lý bảo vệ rừng kết hợp dừng nghỉ khi chưa xin ý kiến, thực hiện chưa đúng ý kiến của UBND tỉnh. Vụ việc này từng gây xôn xao dư luận vào năm 2021 và báo Tiền Phong đã phản ánh.

Cụ thể, công ty này làm Trạm quản lý bảo vệ rừng số 1 rất hoành tráng, với diện tích 270m2, được thiết kế theo kiểu nhà dài, bao gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Phía trên lầu có 9 phòng riêng biệt, được ốp lát toàn bộ bằng gỗ từ trần, tường và nền nhà với tổng số vốn khoảng 2,4 tỷ đồng và sử dụng hơn 90m3 gỗ.

Dư luận cho rằng công trình này rất phản cảm khi trạm bảo vệ rừng lại được ốp gỗ bóng loáng thì làm sao tuyên truyền bảo vệ rừng...

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.