4 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nghe có vẻ kỳ quái. Một đội mở màn World Cup theo cách không thể hoành tráng hơn, nã 13 bàn vào lưới đối phương, lại nhận về vô số những lời chỉ trích. Vậy chuyện gì đã xảy ra với ĐT nữ Mỹ tại kỳ World Cup cách đây 4 năm?
4 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan ảnh 1

Tại World Cup 2007, ĐT nữ Đức lập kỷ lục ghi 11 bàn vào lưới Argentina. Đến World Cup 2019, kỷ lục này bị xô đổ bởi ĐT nữ Mỹ, khi nã vào lưới Thái Lan 13 bàn không gỡ. Bình quân cứ 6,9 phút các cô gái Mỹ lại ăn mừng một lần. Với 663 đường chuyền đã thực hiện trong trận đấu đó (Thái Lan là 209), nghĩa là cứ sau 51 đường chuyền sẽ xuất hiện một pha lập công.

13 bàn chỉ trong một trận rõ ràng là chiến tích lớn, trong bối cảnh đây lại là trận ra quân ở World Cup 2019. Alex Morgan đương nhiên rất phấn khích với 5 lần lập công. Lần đầu được thi đấu tại World Cup, Sam Mewis và Rose Lavelle rõ ràng còn hạnh phúc hơn khi mỗi người lập một cú đúp, đồng thời Lindsey Horan và Mal Pugh cũng vậy. Với Carli Lloyd và Megan Rapinoe, họ là cựu binh. Nhưng không vì thế mà họ không được phép thể hiện sự vui sướng. Họ vui vì vẫn còn nguyên giá trị cũng như tầm ảnh hưởng.

Vậy là sau cả 13 bàn thắng đó luôn là một màn ăn mừng cuồng nhiệt của các cô gái đội tuyển Mỹ. Đây chính là nguồn cơn tạo nên bão chỉ trích sau đó. Nhiều người nói rằng ĐT nữ Mỹ không hiển thị “sự tôn trọng” dành cho Thái Lan, rằng những màn ăn mừng là “không cần thiết”, “đáng xấu hổ” và “thiếu khiêm tốn”.

4 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan ảnh 2

Bảng tỷ số hiển thị kết quả 13-0, chiến thắng đậm nhất trong lịch sử World Cup cả nam và nữ. (Ảnh: Getty Images)

Ngay cả những nữ cầu thủ cũng phản ứng tiêu cực với người Mỹ. Julie Foudy, cựu tuyển thủ Mỹ ca thán: “Họ ăn mừng quá nhiều, cứ như thể 13 bàn vẫn là quá ít”. Cựu tuyển thủ Canada, Clare Rustad gay gắt hơn: “Cái quái gì vậy? Họ nên chiến thắng với sự duyên dáng và nhã nhặn, thay vì phô trương như thế”.

Đồng đội của Rustad, Kaylyn Kyle thì dùng từ “ghê tởm” để mô tả hành động đếm bàn thắng bằng các đầu ngón tay của Megan Rapinoe. HLV của Mỹ, Jill Ellis, cũng nhận lấy sự thóa mạ với hành động tung Lloyd và Christen Press vào sân trong hiệp hai, tạo thành hàng công 4 người ít thấy. Người ta gọi đó là “chế độ tấn công cực đoan và tàn nhẫn”.

Tuy nhiên, có thể thấy “tiêu chuẩn kép” ở đây. Một mặt những người chỉ trích nêu cao tinh thần thể thao, mặt khác lại cho rằng ĐT nữ Mỹ “thiếu sự tôn trọng” chỉ vì họ đã chơi hết mình. Liệu đám người chỉ trích sẽ thế nào nếu các cầu thủ Mỹ chuyền quanh trong phần lớn thời gian và giết chết trận đấu theo phong cách nhàm chán?

4 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan ảnh 34 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan ảnh 4

ĐT nữ Mỹ luôn ăn mừng cuồng nhiệt sau mỗi bàn ghi được. (Ảnh: Getty Images)

HLV Ellis nói rằng “sự tôn trọng cao nhất dành cho đối thủ chính là chơi hết mình”, đồng thời bà nói, “là một HLV, tôi cảm thấy không có nghĩa vụ kiềm chế các học trò của mình, ngăn họ phô diễn những gì tốt nhất”. Dĩ nhiên, bà cũng không cảm thấy cần thiết để ngăn các cầu thủ thể hiện cảm xúc của họ. Ghi bàn ở World Cup không phải là điều ai cũng làm được.

“Mỗi bàn thắng tại World Cup là điều tôi đã mơ từ khi còn là một cô bé”, Alex Morgan chia sẻ, “Cũng chẳng có gì quá đáng khi chúng tôi ăn mừng vì màn trình diễn thực sự tốt của đội. Chúng tôi tập luyện cùng nhau, chiến đấu vì nhau và phải ăn mừng cùng nhau”.

Trong bóng đá, việc ăn mừng là hoàn toàn tự nhiên, đồng thời giải phóng cảm xúc kìm nén. Đôi khi cũng có những màn ăn mừng thái quá, như việc Nữ Na Uy vờ làm đoàn tàu để chế giễu Nữ Mỹ ở bán kết World Cup 1995 hay các cầu thủ Brazil nhảy múa om sòm ngay tại khách sạn trước người Mỹ sau chiến thắng ở World Cup 2007. “Là kẻ thua cuộc, bạn phải chấp nhận điều đó để trở lại mạnh mẽ hơn”, HLV Ellis nói.

4 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan ảnh 5

Nỗi buồn và sự bất lực của nữ cầu thủ Thái Lan...

4 năm trước, ĐT nữ Mỹ từng bị coi là ‘nỗi ô nhục’ sau khi lập kỷ lục ghi 13 bàn vào lưới Thái Lan ảnh 6
... và cái ôm an ủi của Alex Morgan, người giấu quả bóng mang về nhằm kỷ niệm trận đấu ghi 5 bàn thắng, với thủ môn tội nghiệp bên phía đối thủ. (Ảnh: Getty Images)

Nhưng ở đây, các cô gái Mỹ vẫn thể hiện sự tôn trọng với Thái Lan. Morgan đã tiến lại an ủi cầu thủ Thái Lan Miranda Nild sau trận đấu. Và “Madam Pang” Nualphan Lamsam cũng cho biết: “Tôi hiểu. Người Mỹ có quyền ăn mừng vì họ đã chơi quá tốt. Khi kết thúc họ đã ôm lấy các cầu thủ của tôi. Đó là một hình ảnh đẹp”.

Ở kỳ World Cup thứ hai liên tiếp, Nữ Mỹ chạm trán một đội Đông Nam Á ở trận mở màn. Lần này là ĐT nữ Việt Nam, những người lần đầu bước ra sân chơi World Cup. Sự chênh lệch là quá rõ, nhưng chúng ta không mong đợi nhận lấy kết quả tương tự người Thái.

Trong trường hợp điều tồi tệ ấy xảy ra, không sao cả. Đó là thực tế phải chấp nhận. Người Mỹ cứ việc ăn mừng nếu họ muốn. Còn chúng ta có quyền tự hào về “Những nữ chiến binh Sao vàng”. Huỳnh Như cùng đồng đội đã là những người hùng ngay khi họ đặt chân xuống thảm cỏ World Cup.

MỚI - NÓNG
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
Dự án nghìn tỷ nát tươm: Tư vấn thiết kế khai ‘chưa từng nhận được phản ánh’
TPO - Tại tòa, bị cáo thuộc đơn vị tư vấn khai quá trình thi công cho đến trước ngày diễn ra sạt trượt, đơn vị tư vấn không nhận được bất cứ phản ánh nào liên quan đến hồ sơ thiết kế. 'Nước ngầm' mà cáo trạng đề cập là do thấm từ trên xuống, lỗi này do đơn vị thi công sử dụng đất đắp không đạt yêu cầu.