Tại cuộc họp báo, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam thông tin về về Luật Phòng thủ dân sự. Theo ông Bình, phòng thủ dân sự là bộ phận của phòng thủ đất nước, bao gồm các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân.
Khẳng định đây là vấn đề lớn đối với mỗi quốc gia, ông Bình cho biết, hiện trên thế giới, đa số quốc gia bằng hình thức hoặc tên gọi khác nhau đều ban hành đạo luật riêng nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động phòng thủ dân sự.
Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam |
Theo ông, dự án luật có một số nội dung trọng tâm như: Chiến lược quốc gia về phòng thủ dân sự; hoạt động theo dõi, giám sát, tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, huấn luyện phòng thủ dân sự. Thẩm quyền ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự; điều động, huy động lực lượng, phương tiện tham gia phòng thủ dân sự…
Trong đó, lực lượng phòng thủ dân sự gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong lực lượng nòng cốt bao gồm dân quân tự vệ và dân phòng; lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, địa phương.
Theo Trung tướng Nguyễn Trọng Bình, việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự góp phần hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về phòng thủ dân sự, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động phòng thủ dân sự.
“Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng lực phòng thủ dân sự quốc gia nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh và từng bước hội nhập quốc tế”, ông Bình cho hay.
Tại buổi họp báo, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình trao đổi làm rõ về việc xác định mức độ, cấp độ phòng thủ dân sự tại luật này và các luật chuyên ngành khác.
Theo ông Bình, cấp độ phòng thủ dân sự trong luật chuyên ngành là cấp độ rủi ro, như trong Luật Phòng chống thiên tai, có 5 cấp độ theo mức độ rủi ro.
Ông Bình ví dụ, cấp độ bão số 1 hiện nay, mức độ rủi ro là cấp 3, có thể nâng lên cấp 4, cấp 5. Còn cấp độ phòng thủ dân sự là cấp độ công tác chuẩn bị của địa phương, lực lượng chức năng, để ứng phó với rủi ro.
Căn cứ vào cấp độ rủi ro, trên cơ sở đánh giá tình hình của địa phương, lực lượng để có thể đề xuất cấp độ phòng thủ cao hơn. “Cấp độ rủi ro như nhau nhưng với các địa phương khác nhau thì có thể cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau”, ông Bình cho hay.
Theo ông, Quy định này xuất phát từ thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua. Hiện chưa có cấp độ mà chỉ có trạng thái là có dịch và không có dịch. Ví dụ, tỉnh có ca mắc nhưng chưa công bố có dịch vì ảnh hưởng đến các hoạt động khác, nên chưa được áp dụng các biện pháp.
“Thực tiễn xảy ra vấn đề giữa trạng thái bình thường và tình trạng khẩn cấp cách nhau quá xa, cần có các trạng thái trung gian, các cấp độ phòng thủ dân sự này là trạng thái trung gian, được phân cấp cho các địa phương, cấp tỉnh, cấp huyện, có biện pháp phòng ngừa ứng phó hiệu quả trên địa bàn. Cấp độ phòng thủ dân sự khác hẳn với cấp độ rủi ro, đáp ứng được vấn đề thực tiễn đề ra”, Trung tướng Nguyễn Trọng Bình cho hay.
Luật được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.