Công trình giao thông cấp đặc biệt
Ngày 18/6, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức lễ khởi công dự án cầu Phước An. Tham dự lễ buổi lễ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, ông Phạm Viết Thanh - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Yến -Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự lễ khởi công. |
Dự án cầu Phước An là công trình giao thông cấp đặc biệt do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giao cho Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải làm chủ đầu tư. Cầu Phước An sẽ kết nối tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải với huyện Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai, kết nối các tuyến cao tốc liên vùng như Bến Lức - Long Thành, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, rút ngắn gần 30 km quãng đường vận chuyển hàng hóa đi miền Tây Nam Bộ và ngược lại. Đồng thời, giảm tải cho quốc lộ 51, vốn đã quá tải nhiều năm nay.
Theo thiết kế, dự án cầu Phước An có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 4,7 km, điểm đầu kết nối với tuyến đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải. Điểm cuối kết nối với tuyến đường vào cảng Phước An. Trong đó, tổng chiều dài phần cầu 3,5km, thiết kế nhịp chính có hình dạng cánh buồm, chiều cao thông thuyền 55 m, bề rộng mặt cầu dẫn 23,5 m, bề rộng mặt cầu chính 27 m đảm bảo cho 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại lễ khởi công. |
Tổng mức đầu tư công trình 4.877 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2.877 tỷ đồng. Dự kiến, cầu Phước An hoàn thành vào năm 2027.
Cầu Phước An khi đi vào hoạt động sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của hệ thống cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, khu Trung tâm dịch vụ logistics Cái Mép hạ và các khu công nghiệp trong khu vực. Đồng thời, từng bước tạo nên mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, liên hoàn, thông suốt, nâng cao khả năng kết nối vùng, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát biểu tại lễ khởi công, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt nhiều tâm huyết để theo đuổi và quyết tâm thực hiện trong suốt thời gian qua.
Việc khởi công dự án là bước hiện thực hóa các nội dung mà Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.
Các đại biểu nhấn nút khởi công dự án cầu Phước An. |
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Ban Quản lý dự án, nhà thầu phải triển khai các công việc ngay sau lễ khởi công nghiêm túc, đồng bộ theo đúng kế hoạch đề ra. Các sở, ngành theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện dự án, đặc biệt là phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong suốt quá trình thực hiện dự án.
Kết nối liên vùng
Cũng trong sáng nay, tại thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã dự lễ khởi công các dự án cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu. Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 6/2022 có chiều dài hơn 53 km đi qua tỉnh Đồng Nai (34 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (19km) với 3 dự án thành phần.
Trong đó, dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ đầu tư, dự án thành phần 2 do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, dự án thành phần 3 do tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư dự án hơn 17.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Riêng dự án thành phần 3 qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng.
Toàn tuyến kết nối của cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Điểm đầu dự án thành phần 3 tại Km 34+200, đường Tô Đình Nguyệt, xã Phước Bình (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai), giáp ranh với địa phận thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điểm cuối tại nút giao quốc lộ 56 thuộc xã Hòa Long, TP.Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Dự án thành phần 3 cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đi qua địa phận thị xã Phú Mỹ khoảng 15,5 km (phường Mỹ Xuân, phường Hắc Dịch, xã Tóc Tiên và xã Châu Pha) và TP.Bà Rịa khoảng 4 km (xã Tân Hưng, xã Hòa Long).
Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có ý nghĩa rất lớn với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc hoàn thành tuyến đường cao tốc trọng điểm Biên Hoà - Vũng Tàu, sẽ tạo nên những hành lang kinh tế, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phối cảnh một nút giao trên cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. |
Đồng thời, giúp giảm tải áp lực cho quốc lộ 51, giúp lưu thông hàng hóa thông suốt, khai thác tối đa cảng biển Cái Mép - Thị Vải, giúp kết nối giao thông cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, phát triển ngành du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu, tạo thêm sức bật cho nền kinh tế.
“Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sau khi hình thành sẽ cơ bản giải quyết bài toán giao thông liên vùng, phát huy tối đa lợi thế của cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải, sân bay quốc tế Long Thành, qua đó giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, tạo động lực để vùng Đông Nam Bộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, ông Thọ nói.