Nguyễn Thành Luân giới thiệu sản phẩm giun quế |
Bỏ phố về quê khởi nghiệp
Vừa dẫn tôi đi thăm trại giun quế, Luân cho biết, anh học chuyên ngành Quản trị kinh doanh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hưng Yên. Sau khi tốt nghiệp, anh tìm được công việc kinh doanh văn phòng phẩm cho thu nhập khá ổn định ở thành phố Hưng Yên. Nắm bắt xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, năm 2018, anh quyết định bỏ việc ở thành phố về quê vay mượn thêm tiền đầu tư 300 triệu đồng, xây dựng hệ thống nhà lưới kiên cố 1.600m2 cùng hệ thống bể chứa, pha và chế biến thức ăn cho giun từ phân trâu, bò. Anh còn đầu tư hệ thống tưới giữ ẩm tự động, mái che giảm cường độ ánh sáng phù hợp với điều kiện cho giun phát triển. Quyết định của Luân được cả gia đình ủng hộ.
Theo Luân, chăn nuôi gia súc, gia cầm tự phát ở quê phát triển rất mạnh. Việc chăn nuôi chủ yếu diễn ra ngay tại nhà các hộ dân, trong khu dân cư và lượng phân động vật thải ra, gây ra ô nhiễm môi trường nước, không khí… Về lâu dài, tình trạng này sẽ phát sinh các bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nuôi giun quế có nhiều lợi ích. Thứ nhất, giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Thứ hai, sản xuất ra phân vi sinh có chất lượng tốt và làm thức ăn cho vật nuôi… Trại giun quế như là một nhà máy xử lý môi trường hiệu quả, tạo ra nguồn phân bón, thức ăn nuôi cá, ba ba hữu cơ chất lượng cao”, Luân cho hay.
Hiện nay, mỗi tháng trại giun của Luân thu gom, xử lý được 60 tấn phân trâu, bò của các hộ dân tại 2 xã Mai Động, Phú Thịnh. Việc thu gom phế thải chăn nuôi làm giảm được ô nhiễm môi trường. Trả lại môi trường nước, không khí trong lành cho một vùng nông thôn.
Với sự đam mê, sáng tạo trong khởi nghiệp bằng mô hình nuôi giun quế, mang lại lợi ích cho cộng đồng, Nguyễn Thành Luân được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải nhì giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2021, dành cho cán bộ Đoàn tiêu biểu toàn quốc. Mô hình của Luân đứng trong tốp 30 dự án khởi nghiệp nông thôn do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức năm 2021.
Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Hiện nay, trang trại nuôi giun quế của Luân mỗi năm xuất bán hơn 100 tấn phân giun phục vụ sản xuất rau, củ, quả hữu cơ; 1 tấn giun thương phẩm cho các hộ về để chăn nuôi cá, ba ba, lươn; làm dịch đạm cho gia súc gia cầm, doanh thu hàng trăm triệu đồng. Tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/tháng. Mặt khác, Luân đang tư vấn và chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ dân cùng nuôi giun quế, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho các hộ dân.
Mô hình nuôi giun quế không mới, nhiều địa phương khác đã làm. Nhưng ở huyện Kim Động và trong đội ngũ đoàn viên khởi nghiệp của Hưng Yên thì mới. Đặc biệt, ít ai làm quy mô lớn, bài bản như Luân. Mô hình của Luân được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đánh giá cao. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên đã về thăm và đánh giá đây là mô hình tiêu biểu hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn và bảo vệ môi trường.
Ông Vũ Văn Tính, Chủ tịch UBND xã Mai Động cho biết, Luân đi đầu trong khởi nghiệp bằng mô hình mới tại địa phương. Nuôi giun quế đã mang lại hiệu quả “kép”, không những cho hiệu quả về kinh tế, còn góp phần xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, một vấn đề nhức nhối của địa phương. Các sản phẩm của trại giun quế được sử dụng sản xuất sản phẩm rau, củ quả; chăn nuôi hữu cơ, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.