Chủ tịch Cà Mau: Hóa giải nỗi sợ sai, người đứng đầu phải dám làm

TPO - "Quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu, phải trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, phân công công việc cụ thể, rõ ràng, có kiểm tra, giám sát, đánh giá. Nếu cấp dưới có biểu hiện lơ là, phải chấn chỉnh ngay.", Ủy viên dự khuyết T.Ư, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt trao đổi với Tiền Phong về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương.

Ông Huỳnh Quốc Việt - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: Trong quý 1, có nhiều thuận lợi để Cà Mau tăng trưởng GRDP. Sản lượng cụm công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau tăng đột biến do thời tiết nắng nóng. Ngành dịch vụ, thương mại, du lịch tăng trưởng khá cao, trong khi nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ được sự ổn định. Tỉnh cũng tập trung quyết liệt vào giải ngân vốn đầu tư công, qua đó thúc đẩy tăng trưởng trên địa bàn. Đến tháng 4, chúng tôi đã giải ngân được 27%.

Tuy nhiên, Cà Mau cũng gặp một số khó khăn, đặc biệt là sản lượng thuỷ sản tăng, nhưng xuất khẩu giảm, hàng tồn kho nhiều. Việc này ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, kéo giá giảm, tác động xấu đến nuôi trồng. Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng xúc tiến đầu tư, tháo gỡ cùng doanh nghiệp. Tháng 4 vừa qua, xuất khẩu thủy sản đã tăng trở lại.

Chủ tịch Cà Mau: Hóa giải nỗi sợ sai, người đứng đầu phải dám làm ảnh 1

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Tân Lộc.

Ngoài ra, để giải quyết khó khăn trong tiếp cận vốn, tỉnh làm việc với Ngân hàng Nhà nước, đề xuất tạo điều kiện giãn nợ, khoanh nợ, nới thời hạn cho vay, chu kỳ vay phù hợp với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Ví dụ, trước đây chỉ cho vay 3 tháng, không đủ cho nuôi tôm xuất khẩu, cần thiết phải nâng lên 6 tháng hoặc dài hơn…

Về đầu tư công, riêng dự án cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, tỉnh đã bàn giao 95% mặt bằng. Tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác để hỗ trợ thực hiện dự án này. Công việc đang triển khai rất quyết liệt. Trong giải phóng mặt bằng, tỉnh giao các địa phương công khai, minh bạch, kiểm đếm rõ ràng với sự tham gia của người dân.

Giá bồi thường có đơn vị tư vấn cùng địa phương khảo sát thực tế, đảm bảo phù hợp, không ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của người dân, thậm chí phải tốt hơn so với ban đầu. Đó là tiêu chí hàng đầu để vận động người dân.

Vấn đề nào chưa rõ, còn vướng thì báo cáo, xử lý, thậm chí xem xét chính sách hỗ trợ khác tuỳ theo từng hoàn cảnh như nhà đông con, hộ buôn bán kinh doanh, chỗ ở tạm, di dời mồ mả. Bồi thường phải đảm bảo đúng chính sách, không để sai sót, phù hợp với giá trị thực tế loại đất, công trình, nhất là với người bị ảnh hưởng về chỗ ở.

Cà Mau có kinh nghiệm gì, đặc biệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành để bộ máy hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế? Hiện nay, không ít nơi có tình trạng chờ xin ý kiến, đẩy việc lên cấp trên. Cà Mau đã làm gì để truyền cảm hứng cho cán bộ yên tâm xử lý công việc?

Ông Huỳnh Quốc Việt: Tỉnh Cà Mau xác định, quan trọng nhất vẫn là người đứng đầu, phải trách nhiệm, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, phân công công việc cụ thể, rõ ràng, có kiểm tra, giám sát, đánh giá. Nếu cấp dưới có biểu hiện lơ là, phải chấn chỉnh ngay.

Chủ tịch Cà Mau: Hóa giải nỗi sợ sai, người đứng đầu phải dám làm ảnh 2

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt trò chuyện với nhà báo Hà Nhân, Trưởng Ban Thời sự - Nội chính, phụ trách Ban đại diện ĐBSCL báo Tiền Phong. Ảnh: Nhật Huy.

Chúng tôi thực hiện chiến dịch 69 ngày đêm triển khai nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là thủ tục trực tuyến. Cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát từng ngành, từng địa phương, đơn vị đến cấp xã, phường. Đánh giá từng tuần, xem giải quyết được bao nhiêu, tỷ lệ thế nào. Qua đó, có sự thay đổi rất rõ về trách nhiệm của từng cán bộ, từng ngành, từng địa phương.

Hiện nay, lĩnh vực đầu tư công đều có các quy định của pháp luật điều chỉnh. Các dự án cũng nằm trong danh mục, kế hoạch đầu tư công trung hạn. Tuy nhiên, hằng năm, khi có phân bổ, bố trí nguồn vốn lúc đó mới lập hồ sơ, làm các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng… Thủ tục kéo rất dài. Ngoài ra, vật tư thi công khan hiếm, giá xăng dầu tăng, việc điều chỉnh giá gặp khó, ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.

Cà Mau “không có kinh nghiệm gì”, nhưng đã chủ động chỉ đạo các nhà đầu tư tính toán trong khả năng của mình chuẩn bị trước các thủ tục cần thiết, khi được giao vốn thì khẩn trương hoàn chỉnh để thực hiện. Sắp tới nhiều tỉnh có lẽ sẽ kiến nghị về nguồn vốn bố trí cho công tác chuẩn bị đầu tư. Nếu không tháo gỡ, thường 3 tháng đầu năm giải ngân sẽ rất chậm, bởi vướng thủ tục.

Làm việc không vụ lợi, mang lại hiệu quả cần được bảo vệ

Theo ông, cần làm gì để khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức e ngại, né tránh, đùn đẩy công việc. Và làm thế nào để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm?

Để cán bộ không còn tâm lý e ngại, sợ sai, cần làm rõ việc “chồng chéo” một số quy định hiện nay. Ví dụ, trong xác định giá bồi thường giải phóng mặt bằng có các phương pháp khác nhau để tính toán. Việc đưa ra giá cụ thể rất phức tạp. Nhưng khi kiểm tra, thanh tra, hoàn toàn có thể bị đặt câu hỏi: Tại sao không lựa chọn phương án này, phương án kia.

Do đó, đương nhiên cán bộ có tâm lý e ngại, vì khi thanh tra, kiểm toán đặt vấn đề, có thể sẽ không giải thích được. Ngoài ra, các đơn vị tư vấn thẩm định giá cũng có tâm lý sợ do vừa qua một số đơn vị vướng vòng lao lý, làm rất chậm. Hội đồng thẩm định lại rà soát, kiểm tra kỹ, mất thêm rất nhiều thời gian.

Chủ tịch Cà Mau: Hóa giải nỗi sợ sai, người đứng đầu phải dám làm ảnh 3

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt. Ảnh: Nhật Huy.

Cà Mau cũng đang vướng liên quan đến các quy định “chồng chéo” này. Như theo Luật Lâm nghiệp, về việc cho thuê môi trường rừng, có thể có phép xây dựng nhà hoặc diện tích dịch vụ trên đất không có rừng, nhưng vẫn là đất lâm nghiệp. Tuy nhiên, chiếu theo quy định của Luật Xây dựng, đất lâm nghiệp không được phép xây dựng. Việc này dẫn đến không thu hút được nhà đầu tư; nếu để xảy ra xây dựng thì có thể bị xử lý…

Để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, cần xem xét ở yếu tố “đẩy nhanh tiến độ công việc, mang lại lợi ích, tạo ra tăng trưởng, kịp thời đưa vào sử dụng, đảm bảo về chất lượng, không gây thiệt hại, không có tham nhũng, tiêu cực, thất thoát”. Nếu như thế, dù làm không đúng theo quy định về trình tự, thủ tục cũng có thể thông cảm khi các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào cuộc.

Quan trọng phải có cơ chế thoáng, quy định như thế. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán phải hiểu việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của cán bộ là đúng, không vi phạm. Bảo vệ cán bộ khi có sơ suất, nhưng không gây thiệt hại là quan trọng. Khi làm cái mới, những việc chưa có, nếu sau đó rà soát có việc chưa đúng, chưa phù hợp với quy định pháp luật, nhưng mang lại hiệu quả thì phải có quy định cụ thể để bảo vệ cán bộ.

Phát triển kinh tế biển và du lịch

Tỉnh có định hướng gì để tiếp tục duy trì đà phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm, thưa ông?

Trong những tháng cuối năm, Cà Mau xác định gặp nhiều khó khăn. Bắt đầu từ quý 3 sẽ bước vào mùa mưa, sản lượng điện từ các nhà máy thuỷ điện tăng, sẽ giảm huy động điện từ cụm công nghiệp khí – điện – đạm Cà Mau. Vì thế, chỉ số phát triển công nghiệp sẽ giảm.

Để bù lại, chúng tôi sẽ tập trung thúc đẩy công nghiệp chế biến thuỷ, hải sản, tăng xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh đang xúc tiến, hỗ trợ một số dự án điện gió trên địa bàn ký hợp đồng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Nếu kịp, sẽ bổ sung khoảng 150 MW.

Về đầu tư công, tỉnh tiếp tục tập trung, quyết liệt thực hiện, nhất là dự án đường cao tốc Cần Thơ – Cà Mau, một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh. Nông nghiệp sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để duy trì tốc độ tăng trưởng. Dịch vụ, thương mại, đặc biệt là du lịch là hướng phát triển mới.

Chủ tịch Cà Mau: Hóa giải nỗi sợ sai, người đứng đầu phải dám làm ảnh 4

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt trao đổi với người dân trên địa bàn dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đi qua. Ảnh: PV

Chúng tôi tập trung khắc phục hạn chế về giao thông đi lại, đảm bảo an toàn cho đường bay Hà Nội – Cà Mau, hình thành hạ tầng kết nối trong tỉnh như khánh thành cầu sông Đốc, các đường trục Đông – Tây; tiến hành mời gọi các dự án đầu tư vào du lịch sinh thái như Đầm Thị Tường, khu du lịch vườn quốc gia U Minh Hạ, hình thành các điểm du lịch sinh thái để thu hút khách du lịch, kích thích tiêu thụ các sản phẩm OCOP. Hiện tỉnh đã có hơn 100 sản phẩm đạt chứng chỉ OCOP, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung thêm.

Là địa phương cực Nam của Tổ quốc với đường bờ biển dài hàng trăm km, Cà Mau định hướng ra sao trong phát triển kinh tế biển?

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kinh tế biển được xác định là lợi thế lớn nhất của địa phương, tiềm năng phát triển mạnh so với nhiều tỉnh, thành có biển của cả nước.

Bờ biển của tỉnh dài, khoảng 254km, có 3 mặt giáp biển. Vùng biển rộng, gần 80 nghìn km2. Ngoài lợi thế về đánh bắt hải sản, còn có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo, điện gió.

Đảo Hòn Khoai có vị trí chiến lược, gần đường hàng hải quốc tế. Khi hình thành cảng biển ở Hòn Khoai, sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của Cà Mau nói riêng và ĐBSCL nói chung, đặc biệt trong phát triển vận tải biển, phát triển cụm kinh tế biển.

Ngoài ra, các đô thị ven biển của tỉnh có tiềm năng phát triển công nghiệp hậu cần nghề biển. Chúng tôi xác định, kinh tế của Cà Mau phải gắn liền với phát triển kinh tế biển.

Cà Mau có lợi thế lớn về phát triển du lịch. Đường bay Hà Nội – Cà Mau vừa qua là một phần thôi. Chúng tôi đang kiến nghị T.Ư nâng cấp sân bay Cà Mau, phát triển thêm một số đường bay khác, thậm chí có các đường bay quốc tế để thu hút khách nước ngoài.

Tỉnh đang tập trung mời gọi một số nhà đầu tư lớn, tầm cỡ vào các dự án như ở Đầm Thị Tường; khu du lịch mũi Cà Mau; khu du lịch Vườn quốc gia U Minh Hạ; khu du lịch sinh thái Năm Căn, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch địa phương.

Cảm ơn ông!

Tin liên quan