Xét công nhận GS, PGS 2023: Cách nào kiểm soát bài báo khoa học sử dụng AI?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Lần đầu tiên, Hội đồng Giáo sư Nhà nước  lưu ý về sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo đối với bài báo khoa học của các ứng viên xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư năm nay.

Trong công văn mới nhất gửi các đơn vị liên quan, Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) đề nghị chú ý, xem xét về chuyên môn - học thuật, tính liêm chính khoa học; thẩm định kỹ chất lượng tạp chí và chất lượng các công trình khoa học; lưu ý phát hiện, xem xét và đánh giá các công trình khoa học sử dụng hoặc có sự trợ giúp của các công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tổ chức thảo luận và có kết luận đánh giá những công trình khoa học này.

Xét công nhận GS, PGS 2023: Cách nào kiểm soát bài báo khoa học sử dụng AI? ảnh 1

Trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Dương Nghĩa Bang, Phó Chánh văn phòng HĐGSNN cho hay, sự trợ giúp của AI trong nghiên cứu khoa học cũng đã đem lại nhiều kết quả ứng dụng khả quan. Tuy nhiên, rất nhiều nhà khoa học lo ngại việc lạm dụng AI trong nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến kết quả không tích cực. Đặc biệt, trường hợp chỉ dựa hoàn toàn vào AI để viết bài báo khoa học, viết luận văn, luận án trong khi không hề triển khai nghiên cứu. Việc này có thể cho ra đời những công bố rất nhanh chóng nhưng kết quả không phản ánh đúng thực tế, gây ảnh hưởng tiêu cực trong nghiên cứu khoa học.

Không dễ phát hiện

Có thể thấy AI đã ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động của giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học. Việc sử dụng ChatGPT trong việc soạn thảo một số phần trong các bài báo khoa học đã dẫn đến việc AI này được ghi nhận là đồng tác giả trên một số bài. Trước lo ngại về liêm chính khoa học, các tạp chí thuộc hệ thống Springer Nature hay Science điều chỉnh quy định nộp bài, yêu cầu cấm sử dụng văn bản từ ChatGPT và nói rõ rằng AI này không thể được liệt kê là đồng tác giả bài báo.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết đối với bài báo khoa học của giảng viên, ĐH này chưa đặt ra vấn đề sử dụng hay có sự trợ giúp của AI vì tuy đã phát triển nhưng để có thể tham gia hoặc viết hoàn chỉnh một bài báo khoa học đối với ngành kỹ thuật hay công nghệ, những ngành học yêu cầu nhiều dữ liệu, các thuật toán thì AI chưa đủ tầm. Còn vấn đề liêm chính khoa học thì ĐH Bách khoa Hà Nội có công cụ để phát hiện.

Tuy vậy, PGS Nguyễn Phong Điền cảnh báo AI, nhất là ChatGPT hoàn toàn có thể tham gia vào viết bài báo khoa học đối với nhóm ngành khoa học xã hội và quản lý kinh tế. Bản thân ông đã thử giao cho ChatGPT một đề tài về bình đẳng giới đối với phụ nữ Việt Nam và đã nhận được một sản phẩm tương đối hoàn chỉnh và có thể nói là có những phát hiện không tệ.

GS.TS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam lo ngại các HĐGS ngành/liên ngành cũng như các HĐGS cơ sở khó có thể phát hiện bài báo khoa học của ứng viên có sử dụng hay có sự trợ giúp của AI.

Đặc biệt là HĐGS nhóm ngành Khoa học xã hội hay Y dược. Vì theo ông Châu, thời gian qua, các HĐ này còn gặp khó khăn để nhận định các tạp chí rởm hay không rởm, huống hồ là nhận định bài báo có sự tham gia của AI hay không. Thậm chí, GS Nguyễn Ngọc Châu nhìn nhận bản thân nhiều thành viên của các HĐGS còn chưa từng tiếp xúc với ChatGPT hay các phần mềm AI thì khó có thể đánh giá, nhận định bài báo của ứng viên xét công nhận chức danh GS, PGS.

PGS Dương Nghĩa Bang cho biết thế giới chưa có các công cụ đủ mạnh để phát hiện một bài báo khoa học được viết do AI. Việc nhận biết chủ yếu dựa vào kinh nghiệm chuyên môn của người thẩm định…. Trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc trích dẫn, tài liệu tham khảo đối với các luận cứ khoa học. Khi công trình khoa học có nghi vấn được viết do AI, Hội đồng, người thẩm định cần thảo luận nghiêm túc, khách quan, kể cả phỏng vấn ứng viên khi báo cáo khoa học tổng quan để kết luận đánh giá những công trình khoa học này.

HĐGSNN cũng khuyến cáo đến các ứng viên cần đề cao tính trung thực và liêm chính khoa học trong việc kê khai các công trình khoa học, luôn kèm theo đầy đủ các minh chứng cần thiết, bảo đảm các công trình khoa học đó là thực chất.

MỚI - NÓNG