Xét công nhận GS, PGS năm 2021: Vẫn nổi cộm vấn đề liêm chính khoa học

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hôm nay, Hội đồng Giáo sư Nhà nước tổ chức phiên họp xét công nhận tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó giáo sư cho các ứng viên đã được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành thông qua. Nhìn lại quá trình xét duyệt các ứng viên năm 2021, có thể thấy vấn đề nổi cộm nhất vẫn là liêm chính khoa học.

Ngay sau khi Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) công khai danh sách hồ sơ ứng viên qua vòng HĐGS cơ sở, dư luận đã tập trung sự chú ý vào hồ sơ khoa học của các ứng viên một số ngành.

Trong đó, các nhà khoa học trong và ngoài nước đặt dấu hỏi lớn nhất đối với các ứng viên thuộc liên ngành Triết học – Xã hội học và Chính trị.

Xét công nhận GS, PGS năm 2021: Vẫn nổi cộm vấn đề liêm chính khoa học ảnh 1

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong hồ sơ khoa học của một số ứng viên ngành Tâm lý, Giáo dục, Triết học - Xã hội học và Chính trị có một điểm chung là đăng bài trên cùng một tạp chí Psychology and Education (ISSN: 0033 - 3077) năm 2021. Như Tiền Phong đã phản ánh, tạp chí này đã ra khỏi hệ thống của Scopus năm 2019.

Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng liên ngành này các bài báo đăng trên tạp chí uy tín của nhiều ứng viên thuộc liên ngành này có vấn đề.

Tiền Phong cũng nhận được đơn tố cáo một ứng viên của HĐGS liên ngành Xây dựng-Kiến trúc năm 2021. Theo đó, ứng viên này không đảm bảo yêu cầu về liêm chính trong nghiên cứu khoa học cũng như tư cách đạo đức để được xem xét chức danh PGS nhà nước theo quy định của Thủ tướng Chính phủ với hai nội dung.

Trong đó, đơn tố cáo phản ánh ứng viên này đã liên tục đạo văn một cách có hệ thống từ năm 2016-2021 cho các công bố quốc tế từ hội thảo đến tạp chí quốc tế (Scopus, ISI). Điều này đã vi phạm tư cách đạo đức của nhà giáo trong nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại trường ĐH. Mặt khác, ứng viên này đã không đảm bảo điều kiện cứng là 3 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế uy tín theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ tịch HĐGS liên ngành này khẳng định ứng viên này vẫn đủ yêu cầu vì có 2 bài báo được Hội đồng công nhận cho điểm và có 1 cuốn sách chuyên khảo đáp ứng đủ điều kiện cứng của HĐGSNN.

Cũng liên quan đến bài báo khoa học, trước khi HĐGS ngành/liên ngành trình danh sách ứng viên lên HĐGSNN, một ứng viên HĐGS liên ngành Triết học – Xã hội học và Chính trị đã xin rút hồ sơ vì ngại vướng lùm xùm.

Không những thế, HĐGS ngành Kinh tế cũng nhận được những phản ánh liên quan đến bài báo khoa học của các ứng viên.

Vẫn quan ngại chất lượng đội ngũ các HĐGSCS, HĐGS ngành/liên ngành

Có thể thấy, từ sau khi thực hiện Quyết định 37 (năm 2018), vấn đề bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín của các ứng viên được dư luận đặc biệt quan tâm và năm nào xét công nhận GS, PGS cũng có những nghi ngại, lùm xùm liên quan đến vấn đề này.

Các nhà khoa học cho rằng để "chốt chặn", nâng cao chất lượng bài báo khoa học trong ứng viên GS, PGS, vai trò của HĐGS cơ sở, HĐGS ngành/liên ngành hết sức quan trọng. Vì thực tế, các tạp chí dù thuộc danh mục ISI hay Scopus (danh mục tạp chí uy tín) cũng chỉ nên coi như bộ lọc ban đầu. Các HĐ phải là những bộ lọc quan trọng nhất.

Điều ngạc nhiên hơn nữa là dù liên ngành Triết học – Xã hội học và Chính trị hay ngành Kinh tế dù có nhiều ý kiến liên quan đến ứng viên nhưng tỷ lệ ứng viên được HĐGS ngành/liên ngành thông qua lại cao hơn các ngành khác. Cụ thể, liên ngành Triết học – Xã hội học và Chính trị có 3/10 ứng viên bị loại (tỷ lệ 30%), ngành Kinh tế có 6/56 ứng viên bị loại (trên 10%).

Trong số 73 ứng viên GS, PGS bị HĐGS ngành/liên ngành loại thì ngành Toán và ngành Điện – Điện tử có số ứng viên bị loại lớn nhất và đây cũng là hai ngành có tỷ lệ ứng viên bị loại đứng thứ nhất và thứ nhì năm 2021. Cụ thể, ngành Toán có 14/25 ứng viên bị loại (chiếm hơn 50%), ngành Điện – Điện tử có 13/26 ứng viên bị loại (chiếm 50%).

Dù hồ sơ ứng viên đã lên đến HĐGSNN nhưng những thắc mắc, phản ánh vẫn chưa dừng lại. HĐGSNN phải chuyển lại để các HĐGS ngành/liên ngành xem xét rà soát thêm.

Đợt xét duyệt năm 2020, HĐGSNN cho biết trong thời gian các Hội đồng GS ngành/ liên ngành xét duyệt hồ sơ, Văn phòng đã tiếp nhận 57 lượt đơn thư, liên quan 16 Hội đồng GS Ngành (đến ngày 27/11/2020). Trong đó có 5 lượt đơn thư tố cáo qua email liên quan đến 36 ứng viên ngành Y học và 6 ứng viên ngành Dược học; 46 lượt đơn thư tố cáo 39 ứng viên; 2 lượt đơn thư kiến nghị của ứng viên đối với HĐGS ngành Toán, Vật lý; 2 đơn thư liên quan đến thành viên HĐGS Ngành Giáo dục, Vật lý. Trong đó có nhiều lượt đơn thư và nhiều ứng viên bị tố cáo nhất là ngành Dược và ngành Y.

Theo Văn phòng HĐGSNN, vấn đề nổi bật nêu trong các đơn thư liên quan đến chính trị, tư tưởng, vi phạm đạo đức nhà giáo, viên chức; mua bán bài, đăng nhiều bài trong thời gian ngắn, tổ chức số tạp chí để đăng nhiều bài…; đăng báo trên tạp chí không uy tín; công trình khoa học không đúng chuyên ngành. Kết quả, sau khi cơ quan chức năng xử lý, có 10 ứng viên bị loại hoặc xin rút; 4 ứng viên không đạt tiêu chuẩn.

Văn phòng HĐGSNN nhìn nhận, vẫn còn tình trạng một số chuyên gia được mời thẩm định hồ sơ ở một số Hội đồng chưa rà soát kỹ các minh chứng, chủ yếu đánh giá dựa vào bản đăng ký của ứng viên, dẫn đến thiếu minh chứng hoặc minh chứng chưa chính xác, không đúng thẩm quyền ở một số tiêu chuẩn.

MỚI - NÓNG