Đề xuất xây cầu vượt sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đồng Tháp

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong tờ trình gửi Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính ngày 20/2, UBND TP Cần Thơ đề nghị xem xét, chấp thuận trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hai dự án với tổng mức đầu tư hơn 15.600 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp với tổng vốn hơn 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ – Dự án 1 (Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn đi qua địa phận TP Cần Thơ và Đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 6.433 tỷ đồng, gồm: vốn ODA vay từ Chính phủ Nhật Bản 4.378 tỷ đồng; vốn ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác 2.055 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2023- 2028.

Dự án có hai hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 61C, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ (dài 10,2km, vốn 1.683 tỷ đồng); hợp phần 2 là đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ với huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, đoạn qua địa phận TP Cần Thơ (dài 25,5km, vốn 4.750 tỷ đồng).

Đề xuất xây cầu vượt sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đồng Tháp ảnh 1

Sơ đồ tuyến kết nối Đồng Tháp - Cần Thơ - Kiên Giang (đường chấm đậm).

Thêm cầu lớn vượt sông Hậu

Bên cạnh dự án trên, UBND TP Cần Thơ đề xuất dự án Phát triển mạng lưới giao thông vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ – Dự án 2 (Đầu tư xây dựng cầu Ô Môn qua sông Hậu kết nối TP Cần Thơ với tỉnh Đồng Tháp).

Dự kiến tổng mức đầu tư của dự án hơn 9.187 tỷ đồng (tương đương hơn 374 triệu USD). Trong đó, vốn vay từ Chính phủ Nhật Bản 7.276 tỷ đồng; vốn từ ngân sách thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác 1.911 tỷ đồng.

Cầu Ô Môn nằm trong tổng thể tuyến liên vùng kết nối Đồng Tháp – Cần Thơ – Kiên Giang, bắt đầu từ nút giao Quốc lộ 54 tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, vượt sông Hậu sang phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, giao với đường tỉnh 920. Tổng chiều dài dự án 5,4km.

Phương án kiến nghị là cầu dây văng dầm thép liên hợp với khẩu độ nhịp chính 450m; quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, 1 dải phân cách giữa…, tổng bề rộng mặt cầu 26,5m. Tốc độ thiết kế 80km/h; tĩnh không thông thuyền tương đương với cầu Vàm Cống, chiều rộng thông thuyền 300m, cao 30m, riêng trong phạm vi 110m giữa khổ thông thuyền có chiều cao 37,5m.

Thời gian thực hiện từ năm 2023- 2030. Trong đó, từ năm 2023- 2026 là lập, trình, phê duyệt dự án, bồi thường hỗ trợ tái định cư, thẩm định, lựa chọn nhà thầu…; khởi công xây dựng công trình năm 2027 và hoàn thành năm 2030.

Đề xuất xây cầu vượt sông Hậu kết nối Cần Thơ và Đồng Tháp ảnh 2

Theo UBND TP Cần Thơ, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng cầu lớn như cầu Ô Môn là rất khó thực hiện, do đó cần huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là các tổ chức tài chính và nhà tài trợ quốc tế. Trong ảnh: Cầu Cần Thơ (Ảnh: CK)

Sự cần thiết đầu tư hai dự án trên là nhằm hoàn thiện kết cấu cơ sở hạ tầng, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng với nhau, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng yêu cầu an ninh, quốc phòng.

Đối với dự án Quốc lộ 61C, việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường sẽ tạo bước đột phá về hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư, tăng chuỗi giá trị, tạo động lực hơn nữa phát triển kinh tế xã hội giữa TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, kết nối giao thông với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và đi TPHCM.

Còn việc xây dựng cầu Ô Môn cùng với tuyến đường kết nối quận Ô Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ) với huyện Giồng Riềng (Kiên Giang) và tuyến nối cầu Ô Môn với Sa Đéc (Đồng Tháp) sẽ hình thành một tuyến đường trục kết nối liên vùng đảm bảo phù hợp với kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Trung ương, vùng, tỉnh… Dự án sẽ tạo tiền đề thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, đặc biệt là TPHCM với các tỉnh miền Tây…

Hiện nay TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị với tổng mức đầu tư hơn 344 triệu USD, trong đó vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) là 250 triệu USD. Hợp phần 2 của dự án đang triển khai thực hiện các dự án phát triển giao thông đô thị quan trọng của thành phố như: cầu Quang Trung (đơn nguyên 2); cầu Trần Hoàng Na; trục đường hẻm 91 kết nối với đường tỉnh 918; đường Hoàng Quốc Việt.

Hơn nữa, theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021- 2025, TP Cần Thơ đang triển khai thực hiện các dự án lớn mang tính động lực phát triển TP Cần Thơ trong giai đoạn tới và có sức lan tỏa liên vùng ĐBSCL như: các đường tỉnh 917, 918, 921, cầu Vàm Xáng và đường vành đai phía Tây với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng, các dự án cao tốc vùng như Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Cần Thơ – Cà Mau

MỚI - NÓNG