Bộ trưởng Pistorius thừa nhận trong xã hội Đức vốn có ít vấn đề gây ra sự khác biệt quan điểm đến vậy. “Điều này cho thấy đây là một quyết định rất khó khăn”, ông nói, và cho biết ông “hoàn toàn thông cảm với những người lo ngại về việc chuyển xe tăng đến vùng chiến sự”.
“Ngược lại, tôi không thể đồng cảm với những người sẵn sàng tỏ ra vui sướng khi quyết định chuyển giao xe tăng được đưa ra. Không có lý do gì để vui mừng. Chúng ta đang nói về một cuộc chiến, và chẳng có gì dễ chịu về nó cả.”
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Đức được đưa ra sau khi ông tuyên bố rằng các xe tăng mà Berlin cam kết với Kiev hồi đầu tuần này rất có thể sẽ đến Ukraine vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Nói chuyện với các nhà báo hôm thứ Năm trong chuyến thăm một căn cứ quân sự ở Saxony-Anhalt, ông Pistorius cũng gạt bỏ những lời chỉ trích rằng Berlin đã chờ đợi quá lâu để gửi xe tăng đến Kiev.
“Chúng tôi không ngần ngại. Chúng tôi phải thương lượng, phải nói chuyện với các đồng minh, đối tác và bạn bè của mình về điều tốt nhất nên làm lúc này”, ông nói, mô tả đó là “vấn đề chiến tranh” và “vấn đề niềm tin”.
“Tôi nghĩ rằng mọi người nên hài lòng với quyết định này bởi vì chúng tôi làm những gì cần thiết”, ông Pistorius nói. “Tôi tin rằng xe tăng sẽ đến Ukraine đủ sớm.”
Hôm 25/1, Mỹ cũng công bố kế hoạch gửi 31 xe tăng M1 Abrams tới Ukraine.
Nga chỉ trích các quyết định này, nói rằng việc các quốc gia phương Tây chuyển giao xe tăng cho thấy “sự can dự trực tiếp” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột ở Ukraine đang “ngày càng gia tăng”.