World Cup 2022: Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á

0:00 / 0:00
0:00
TP - Saudi Arabia tạo địa chấn trước Argentina, Nhật Bản ngược dòng đánh bại Đức. Hàn Quốc buộc Uruguay chia điểm và chiều qua, Iran đã khiến Xứ Wales khốn khổ trong cuộc đọ sức mà đại biểu châu Âu phải nhận thẻ đỏ, rồi thất bại. Bóng đá châu Á thực sự đang là mối đe doạ với các đội bóng khác?
World Cup 2022: Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á ảnh 1

Ritsu Doan ăn mừng bàn thắng vào lưới tuyển Đức ảnh AFP

Từng tự ti khi ra biển lớn

Khi đối đầu với các đội bóng mạnh tầm World Cup, người ta thường nói đến hạn chế thể hình thể lực của các đội bóng châu Á.

Thập niên 80, 90 thế kỉ trước, Hàn Quốc, Iran, Iraq, UAE đến với World Cup với hạn chế này. Tầm vóc kém hơn, thể lực kém hơn đã ngăn cản các đại biểu châu Á tạo nên dấu ấn về chuyên môn.

Mở rộng câu chuyện một chút, các công ty thiên về máy công nghiệp hoặc các ngành chế tạo của Đức hiếm khi tuyển nhân viên là người châu Á. Lý do: Thể lực yếu, không đủ đáp ứng công việc. Chính nhà báo Vũ Công Lập - người có nhiều năm sống và làm việc trên đất Đức cũng xác nhận điều này và cho rằng, để cải thiện, người châu Á phải trải qua giải pháp thế hệ chứ không nhanh được. Khái niệm thế giới phẳng, hay “ai cũng có thể làm việc ở các công ty đa quốc gia” chưa dành cho người châu Á!

Tiếng nói lịch sử chỉ ra rằng, mỗi kỳ World Cup thời đó, châu Á đích thị là... kho điểm của các đội trong bảng đấu. Kịch bản thường chẳng có gì đặc biệt ngoài việc các đối thủ châu Âu dùng sức lực, dùng thể hình và dùng bóng bổng để cụ thể hoá ưu thế thành điểm số.

World Cup 2022: Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á ảnh 2

Niềm vui tột độ của các cầu thủ Iran khi đánh bại Xứ Wales ở những phút cuối cùng ảnh: Getty Images

Tiến bộ nhất đối với các đội châu Á tại một kì World Cup trước những năm 2000 là cú đột phá xuất thần từ giữa sân của Saeed Al Owairan (Saudi Arabia). Cầu thủ này đi qua 5 cầu thủ đội tuyển Bỉ trước khi ghi bàn duy nhất của trận đấu. Đại biểu châu Á giành vé vào vòng 2.

Tuy nhiên, trong cuộc chạm trán với Thụy Điển ở vòng knockout, Saudi Arabia đã bị đánh bại hoàn toàn bởi thể hình, thể lực vượt trội của đối phương. Chỉ mình tiền đạo Kenneth Anderson với chiều cao hơn 1,9m đã làm khổ hàng thủ Saudi Arabia suốt trận chỉ bằng mỗi “món võ” đơn giản: Cài đè, xoay xở và sút. Chẳng có bài vở gì hay hơn.

Cũng tại World Cup 1994, Hàn Quốc xách vali về nước với sự “tiến bộ” được thể hiện bằng hai trận hoà trước Tây Ban Nha (2-2) và Bolivia (0-0). Tuy nhiên, trong trận cầu quyết định vé đi tiếp, Hàn Quốc đã thua Đức 2-3.

Sự hạn chế về thể hình, thể lực của bóng đá châu Á tồn tại nhiều năm. Đến nỗi, hễ nhắc đến World Cup và các đại biểu của lục địa vàng, báo chí phương Tây chỉ đề cập ngắn gọn cụm từ: Chưa đủ thể lực thi đấu!

Năm 2009, trong một chuyến công tác thực tiễn, theo chân tiền đạo Lê Công Vinh tại Bồ Đào Nha, tôi có dịp trò chuyện với Olivera Fernandes, người phụ trách truyền thông của CLB Leixoes và cựu HLV tuyển Việt Nam, Henrique Calisto. Họ nói, các cầu thủ Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung khó thích nghi được ở môi trường bóng đá châu Âu chưa hẳn đã bởi hạn chế trình độ chuyên môn mà phần lớn là do thể lực không thể đáp ứng.

Công Vinh không trụ lại được Leixoes vì vấn đề trước tiên là thể lực. Tiền đạo Việt Nam có thể đảm đương được 2/3 thời gian thi đấu chính thức, nhưng vấn đề là trận đấu có đến...90 phút!

Đã đến lúc châu Á lên tiếng!

World Cup 2022: Sự trỗi dậy của bóng đá châu Á ảnh 3

Các cầu thủ Saudi Arabia mừng chiến thắng trước Argentina ảnh AFP

World Cup 2022 mới đi được chặng đầu, nhưng những gì bóng đá châu Á làm được khiến người ta phải đánh giá lại về tiềm năng và sự phát triển của châu lục này. Saudi Arabia quật ngã Argentina, Nhật Bản đánh bại Đức, Hàn Quốc chia điểm Uruguay - đó toàn những anh tài World Cup cả.

Tối qua, Iran hạ gục Xứ Wales 2 bàn không gỡ, tô điểm thêm những điểm sáng của bóng đá châu Á trên sân chơi thế giới.

Đáng nói ở chỗ, tất cả những “chiến thắng châu Á” đều được thiết lập ở những phút cuối trận, khi thể lực của đôi bên suy giảm.

Nhưng người ta không thể nói gì ngoài sự khâm phục khi các cầu thủ Saudi, Nhật, Hàn và Iran sẵn sàng thi triển lối chơi vây ráp, sẵn sàng đua tốc độ và ăn thua sòng phẳng với các đối thủ được đánh giá “cao to, khoẻ mạnh hơn”. Trong các chiến thắng này, cú ngược dòng của Nhật Bản thuyết phục nhất. Tuyển Đức chưa bao giờ yếu thể lực, thể hình cũng thường vượt trội. Nhưng họ vẫn thở dốc khi bị Nhật Bản tăng tốc, rồi bất lực nhìn đối phương rời sân với 3 điểm trong tay. Hiện giờ, chính những đội bóng gắn mác lục địa vàng như Saudi Arabia, Nhật Bản, Iran, thậm chí cả Hàn Quốc mới là những cái tên sáng giá. Còn Argentina, Đức, Xứ Wales đang chông chênh trước số phận như ngọn đèn trước gió của mình.

Châu Á đã, đang tạo nên những điểm nhấn tại World Cup lần này. Có lẽ, sau “mùa Đông Qatar”, người ta sẽ không phải nghe cụm từ: “Châu Á thể lực kém” nữa. Cuộc chơi đã bắt đầu trở nên sòng phẳng hơn!

MỚI - NÓNG