Ngày 21/11, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn đã trình bày Tờ trình về việc đề nghị xem xét, thông qua chủ trương “Nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của T.Ư, các quy định pháp luật, xây dựng Thủ đô Hà Nội "văn hiến, văn minh, hiện đại”.
Theo ông Tuấn, thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiên cứu, triển khai các bước lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy trình quy định.
Hà Nội định hướng phát triển lấy sông Hồng là trung tâm thành phố. Ảnh: PV |
Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã thống nhất về định hướng nghiên cứu điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gồm 5 mục tiêu; 8 quan điểm; 8 định hướng chính và 3 nhóm giải pháp trọng tâm.
Trên cơ sở đó, Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã nghiên cứu, hoàn thiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội để trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thông qua chủ trương.
Tờ trình của Ban Cán sự đảng UBND thành phố đã làm rõ căn cứ pháp lý và thực tiễn của việc điều chỉnh. Báo cáo về nội dung điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã thể hiện quan điểm, mục tiêu; tính chất đô thị; dự báo phát triển sơ bộ về quy mô dân số, quy mô đất đai; những trọng tâm đối với điều chỉnh quy hoạch chung; những yêu cầu cụ thể về nội dung nghiên cứu quy hoạch và hồ sơ sản phẩm.
Ông Tuấn nêu, thống nhất với định hướng Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị, mục tiêu điều chỉnh là nhằm xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để phát triển trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị; thực hiện đồng bộ các chính sách giải nén, giảm tải cho đô thị, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố trực thuộc thành phố.
Điều chỉnh quy hoạch còn nhằm quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại khu vực trung tâm; ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn. Đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản, du lịch, đô thị gắn với những địa bàn có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Thống nhất với mục tiêu đã xác định tại Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị, mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Nghiên cứu tăng tỷ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài...
Theo ông Tuấn, điều chỉnh quy hoạch chung lần này còn nhằm phát huy hiệu quả mọi nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng số theo các chiến lược, mô hình phát triển kinh tế của Thủ đô và của vùng Thủ đô; cân đối quy mô phát triển dân số; hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử với phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, làng nghề; bảo đảm an ninh quốc phòng; phát triển đô thị, nông thôn giàu bản sắc văn hóa, thân thiện môi trường, ổn định và bền vững.