Hà Nội lập 2 thành phố mới: Tăng trưởng từ đâu?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Hà Nội đang triển khai các bước để nghiên cứu thành lập thêm 2 thành phố mới trực thuộc nhằm tạo ra cực tăng trưởng mới, giãn dân nội đô.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, cho biết, thành phố đang làm điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô và lồng ghép ý tưởng thành lập hai thành phố mới trực thuộc. “Chúng tôi triển khai góc độ quy hoạch còn việc tổ chức chính quyền, phân cấp thế nào do Sở Nội vụ thực hiện”, ông Huy nói.

Hà Nội lập 2 thành phố mới: Tăng trưởng từ đâu? ảnh 1

Thành phố mới ở khu vực Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn sẽ lấy sân bay Nội Bài làm trung tâm phát triển. Ảnh: ACV

Về quy hoạch, ông có thể cho biết rõ hơn về định hướng này?

Dự kiến sẽ lập thêm thành phố phía Tây và thành phố phía Bắc sông Hồng. Hiện chưa nghiên cứu sâu về quy hoạch được, mới làm các bước ở điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung. Đầu bài sơ khai ban đầu, còn ranh giới quy mô cụ thể thế nào thì trong quá trình nghiên cứu phải phối hợp với Sở Nội vụ, các ngành xem xét cụ thể.

Có thể không theo ranh giới hành chính của các quận, huyện hiện nay, có thể lấy từng phần chẳng hạn. Vấn đề này cần bàn thêm với Sở Nội vụ xem thế nào tốt nhất bởi động chạm nhiều từ người dân, liên quan giấy tờ, thủ tục hành chính.

Mục tiêu lập quy hoạch hai thành phố mới này xuất phát từ chủ trương nào?

Thành phố mong muốn để giảm sự phụ thuộc vào thành phố trung tâm, các quận lõi, có sự chủ động hơn trong triển khai các công việc, có sự độc lập tương đối để thúc đẩy, thu hút đầu tư...

Việc giảm phụ thuộc vào đô thị trung tâm cụ thể như thế nào?

Ở đây gọi là đô thị trung tâm thì cũng không hẳn là chính xác. Chính xác là giảm sự phụ thuộc vào chỉ đạo điều hành, thủ tục hành chính của UBND thành phố theo hướng xử lý công việc linh hoạt và hiệu quả hơn. Thành phố nhỏ hơn để có tính chủ động riêng của thành phố đấy. Hiện nay, việc phân bổ ngân sách và nhiều việc vẫn là cấp thành phố quyết định. Nếu hình thành thành phố trực thuộc thì có sự độc lập riêng, tự quyết nhiều hơn, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn; chủ động trong kêu gọi đầu tư các dự án vào… Chủ động được sẽ tốt hơn.

Trước đây, thành phố chủ trương phát triển đô thị vệ tinh, việc lập thêm 2 thành phố mới này có mâu thuẫn với mô hình cũ không?

Hà Nội lập 2 thành phố mới: Tăng trưởng từ đâu? ảnh 2

Ông Lưu Quang Huy

Chúng tôi trong quá trình phối hợp với Sở QHKT rà soát triển khai thực hiện quy hoạch chung Thủ đô trước đây cũng phải đánh giá vấn đề về triển khai mặt nào được, mặt nào chưa được. Hiện nay, 5 đô thị vệ tinh chưa được thực hiện theo đúng định hướng quy hoạch. Một phần do nguồn lực cũng chưa đủ để đầu tư các đô thị vệ tinh đó. Thứ hai là chính sách phát triển của các đô thị vệ tinh đó chưa thực sự hấp dẫn với các nhà đầu tư. Doanh nghiệp chỉ tập trung vào phần đô thị trung tâm cho dễ hơn, hoàn vốn, thu lợi nhuận nhanh hơn.

Sự hấp dẫn chưa có nhiều, nên họ chưa mặn mà. Hy vọng thời gian tới có thành phố thì có chính sách đặc thù để thu hút đầu tư vào các đô thị vệ tinh đó, thành phố cũng nên đầu tư nguồn lực tương xứng, ví dụ đầu tư hạ tầng giao thông, kết nối từ trung tâm lên các vệ tinh cho tốt hơn nữa, hệ thống giao thông công cộng thì rút ngắn khoảng cách lại và người ta thấy đi từ trung tâm thành phố đến các vệ tinh cũng thuận tiện, cũng nhanh, không đi trong phố tắc đường, thời gian đi lên thành phố mới còn nhanh hơn di chuyển trong phố cũ. Cơ hội đầu tư chính sách thoáng hơn, hấp dẫn hơn thì nhà đầu tư sẽ quan tâm đầu tư hơn.

Phát triển hai thành phố mới có đủ sức giãn dân nội đô lịch sử không?

Phát triển hai thành phố mới định hướng là phải giãn dân nội đô ra bên ngoài. Thực ra, câu chuyện rất tự nhiên là chỗ nào tốt thì dân sẽ đến định cư. Tốt ở đây là đi lại thuận tiện, cuộc sống đỡ bức bối hơn ở trung tâm, không gian thoáng đãng, rộng rãi hơn, giá nhà rẻ hơn. Công ăn việc làm tìm kiếm dễ hơn, hình thành các loại hình công việc phát triển mới, đáp ứng nhu cầu cho người lao động thì sẽ hút dân ra.

Nghiên cứu quy hoạch thêm 2 thành phố mới, Hà Nội có tiếp thu kinh nghiệm trong thành lập thành phố Thủ Đức không?

Chúng tôi có tham khảo mô hình trong nước và quốc tế. Mô hình nào tốt nhất thì mình học tập. Thủ Đức phát triển dựa trên các quận từ trước nên thuận lợi hơn. Hà Nội phát triển từ các huyện. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật các huyện hiện nay còn nhiều hạn chế.

Theo tôi, hai thành phố mới này khi thành lập, phải có được quy định về vận hành linh hoạt và phù hợp để thúc đẩy phát triển. Chính sách cụ thể và rõ ràng, phải thông thoáng để hấp dẫn các đối tượng tham gia vào thì thành phố mới hình thành sớm được. Chỉ quy hoạch xong rồi để đấy mà không thực hiện thì thành ra quy hoạch treo.

Cảm ơn ông.

Vai trò quyết định nằm ở chính sách, điều hành

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nguyên Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, lập mới 2 thành phố này có nhiều điều đáng bàn sâu. Để thúc đẩy sự phát triển khu vực phía Tây và phía Bắc của Hà Nội, thành phố cần có chính sách phù hợp, đủ sức thu hút các nguồn lực đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng cả khu vực này. “Theo tôi, vấn đề chính không nằm ở tên gọi là thành phố hay quận, huyện mà là ở sự điều hành, ở sự linh hoạt và hấp dẫn của chính sách. Thành phố lập ra quy hoạch đô thị vệ tinh đã nhiều năm nhưng thực chất làm được đến đâu? Đây là điều mà chúng ta cần suy nghĩ”, ông Quân nói.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.