Ngày 29/9, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Công ty TNHH TCPVN tổ chức tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng” thuộc khuôn khổ chương trình “Tỏa sáng Nghị lực Việt” 2022.
Anh Nguyễn Trung Tâm - Ủy viên Thường trực Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư LHTN Việt Nam cho biết: Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng” được tổ chức với mong muốn là nơi để các bạn chia sẻ với nhau và với chúng tôi thực trạng, những khó khăn mà các bạn đã và đang gặp phải trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Các đại biểu cùng đưa ra được những giải pháp, kiến nghị phù hợp nhất, có hiệu quả để từng bước giúp thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, phát huy khả năng, sự cống hiến của mình cho xã hội.
Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng”. Ảnh: Công Thành |
Tại tọa đàm, thanh niên khuyết tật đã nghe các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi, chia sẻ về cơ chế chính sách đối với người khuyết tật và thanh niên khuyết tật; giải pháp đổi mới công nghệ để người khuyết tật hòa nhập xã hội; hoạt động của Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật Việt Nam trong hỗ trợ thanh niên khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Tại tọa đàm đã có nhiều sáng kiến, đóng góp, kiến nghị chính sách, tạo môi trường thuận lợi để thanh niên khuyết tật được hòa nhập cộng đồng và phát huy khả năng, sự cống hiến của mình cho xã hội.
Nhiều ý kiến đề xuất, mong muốn sớm thành lập tổ chức Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam nhằm đoàn kết, tập hợp những người trẻ bị khuyết tật cùng nhau phấn đấu xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Đồng thời, để tổ chức Đoàn, Hội các cấp, cùng các ban, ngành, đoàn thể có thêm điều kiện đồng hành, hỗ trợ thanh niên khuyết tật.
Tạo nhiều cơ hội học tập, lao động
Anh Trần Thành Trung (31 tuổi, giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital) bị bại não bẩm sinh, cho biết sau khi tốt nghiệp cao đẳng với tấm bằng loại khá, đã nộp 23 bộ hồ sơ nhưng đều bị từ chối với lý do người khuyết tật không thể đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội. Anh đã trải qua nhiều công việc như bán bảo hiểm, làm gia sư tiếng Anh, sửa máy tính… Năm 2016 anh xuống Hà Nội học tập, được tiếp cận với nghề SEO Web rồi gắn bó đến nay.
Anh Trung cho rằng, trước những thay đổi của xã hội và nhu cầu lao động, cần nâng cao nhận thức hơn nữa cho người khuyết tật trong tìm kiếm việc làm; tập trung giáo dục, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn cho người khuyết tật để đáp ứng thị trường lao động, nhất là đáp ứng được yêu cầu lao động trình độ cao.
Anh Trần Thành Trung hiện làm chủ một công ty chuyên dịch vụ marketing online, chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Công Thành |
Chị Phạm Thị Hồng Mai (ĐH Hàng hải Việt Nam) khiếm khuyết bàn tay trái bẩm sinh, đã vượt qua mặc cảm bản thân, vươn lên trong cuộc sống. Để học sinh, sinh viên khuyết tật hòa nhập hơn, chị Mai cho rằng rất cần sự quan tâm, giúp đỡ từ cộng đồng như hỗ trợ các suất học bổng khuyến học. Đồng thời, các doanh nghiệp, tổ chức cần tạo điều kiện hơn nữa cho sinh viên khiếm khuyết ra trường có thể đi làm như những người bình thường khác mà không có sự kỳ thị về ngoại hình của họ.
Chị Trần Thị Thuần (Giám đốc Hợp tác xã Tâm Ngọc, Hà Nội) kiến nghị cần xây dựng các mô hình giáo dục hòa nhập và hòa nhập xã hội của người khuyết tật, cũng như đào tạo việc làm phù hợp với từng dạng khuyết tật.
Các đại biểu trao đổi, chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Công Thành |