Đề xuất giám sát tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, vừa qua do có giá ưu đãi khiến các nhà đầu tư đổ xô đầu tư trong thời gian ngắn, dẫn tới tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió.
Đề xuất giám sát tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió ảnh 1

Sáng 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát chi tiết và đề cương các báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021”.

Theo dự thảo đề cương giám sát chuyên đề nhằm đánh giá khách quan, trung thực, toàn diện việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 - 2021. Qua đó, làm rõ trách nhiệm, kịp thời xử lý hoặc đề xuất phương án xử lý những tồn tại, hạn chế.

Đối tượng giám sát là Chính phủ, các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan; UBND 63 tỉnh, thành. Đoàn giám sát dự kiến chia thành 3 đoàn công tác giám sát trực tiếp hoặc cử các Tổ khảo sát tại các địa phương có những nội dung nổi bật trong phát triển năng lượng, bảo đảm bao quát đầy đủ, toàn diện 6 nhóm vấn đề; dự kiến lựa chọn ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, mỗi miền từ 3- 5 tỉnh, thành phố do Trưởng đoàn giám sát quyết định.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, trong lĩnh vực điện, giám sát nên tập trung vào một số vấn đề được dư luận quan tâm. Ví dụ, quy hoạch chỉ cho mức như thế này thôi, nhưng thực hiện điện tái tạo lại vượt hơn 20 nghìn MW, cần phải làm rõ.

Đáng lưu ý, vừa qua giá ưu đãi FIT khiến các nhà đầu tư đổ xô đầu tư trong thời gian ngắn dẫn tới tình trạng dư thừa điện mặt trời, điện gió. Cuộc chạy đua này dẫn tới thừa thiếu cục bộ, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy cũng cần tập trung giám sát ở khía cạnh này.

Liên quan tới quy hoạch điện 7, ông Thanh nói điện - than - dầu phải gắn kết với nhau trong quy hoạch năng lượng chung nhưng việc triển khai xây dựng quy hoạch lại tập trung vào một số quy hoạch mang tính ngắn hạn. Còn quy hoạch tổng thể dài hạn cả ngành năng lượng thế nào không rõ. Do vậy cũng cần làm rõ.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trong bối cảnh người ít, thời gian hạn chế, giám sát cần xác định rõ trọng tâm trọng điểm, tập trung vào những vấn đề đảm bảo về an ninh năng lượng trong điều kiện hiện nay như thế nào? “Người ta khai thác dầu khí xa bờ có thể kết hợp làm điện gió nếu có năng lực”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đến vấn đề chuyển đổi năng lượng gắn với thích ứng khí hậu, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo ra sao, trong đó quan tâm đến quy hoạch điện 7, quy hoạch điện 8. Rồi các chính sách phát triển năng lượng, các chính sách thu hút đầu tư thế nào, lĩnh vực gì cần khuyến khích? Trong đó cần chú ý đến chính sách tiết kiệm năng lượng, một mặt phải đảm bảo đủ, mặt khác phải sử dụng tiết kiệm, tránh đã nghèo lại xài sang.

Bên cạnh đó, chính sách bán điện trực tiếp cũng vướng, doanh nghiệp sản xuất ra điện, phải có địa chỉ bán. Theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề này nhà đầu tư có đề xuất rất nhiều. “Những nội dung kiểm toán, thanh tra làm rồi, ta có phải làm lại không?”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tránh chồng chéo, trùng lặp, có sự phối hợp tốt giữa các cơ quan, có thể tận dụng kết quả từ Luật Dầu khí sửa đổi để đánh giá.

MỚI - NÓNG