Thương tật, tử vong vì hàng giả
Chia sẻ câu chuyện đau lòng của gia đình mình tại Hội thảo “Thuốc và thực phẩm chức năng giả, hiện trạng và giải pháp” diễn ra tại TPHCM hôm qua, (22/9), ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm Công nghệ chống giả Việt Nam cho biết, mẹ ông, 92 tuổi, bị ung thư đại tràng, được nhập viện điều trị tại một bệnh viện chuyên khoa ung bướu hàng đầu tại TPHCM. Quá trình điều trị khả quan, nên bà được bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt khối u.
Tuy nhiên, sau cuộc mổ, mẹ ông đã không tỉnh lại. Các bác sĩ kết luận bà bị suy đa tạng, không còn khả năng cứu chữa.
“Không đồng ý với kết luận, tôi đã nhờ thêm hai bệnh viện khác cùng phối hợp đánh giá lại nguyên nhân, tìm giải pháp cứu chữa. Các bác sĩ nhận định có 2 nguyên nhân khiến mẹ tôi không thể tỉnh lại, một là do công tác gây mê, hai là do thuốc gây mê bị làm giả.
Tuy nhiên, cả bác sĩ và gia đình đều không có công cụ nào để chứng minh nguyên nhân khiến mẹ tôi nguy kịch là do thuốc mê bị làm giả nên tôi chỉ biết nín lặng và phải chấp nhận đưa mẹ về”, ông Tâm nghẹn ngào.
“Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của cộng đồng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và uy tín của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan. Lâu nay, chúng ta cho rằng việc chống hàng giả là của cơ quan quản lý nhà nước nhưng hiện nay cần phải kiểm soát cả hoạt động kinh doanh trên môi trường mạng đang là nơi lan tràn các mặt hàng giả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần phải trang bị các công cụ hỗ trợ để chống hàng giả, tự bảo vệ chính mình”. PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế
Cùng với thuốc giả, thực phẩm chức năng giả cũng khiến nhiều người “tiền mất tật mang”, bị đe dọa tính mạng. Giữa tháng 8, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận V.T.H (25 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng) nhập viện trong tình trạng hơn 60% diện tích toàn thân bị trợt da kèm theo tổn thương niêm mạc mắt, miệng, mũi.
Bệnh nhân có tiên lượng tử vong nhưng may mắn được các bác sĩ nỗ lực cứu sống. BS Nguyễn Trúc Quỳnh, Khoa Lâm sàng 1, Bệnh viện Da Liễu TPHCM cho biết, qua khai thác bệnh sử, ghi nhận bệnh nhân bị vảy nến.
Nghe theo lời người quen, cô đã mua một số thực phẩm chức năng không rõ loại với quảng cáo có công dụng thải độc tố. Tuy nhiên, sau gần 3 tuần uống thực phẩm chức năng trôi nổi, người bệnh rơi vào nguy kịch vì hoại tử thượng bì nhiễm độc.
Người dân mua thuốc tại một nhà thuốc tư nhân |
Trao đổi với phóng viên, PGS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: “Thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đang là vấn nạn đối với sức khỏe cộng đồng. Người bệnh uống phải thuốc giả chẳng những không có tác dụng điều trị bệnh mà còn mất thời gian vàng để chữa trị.
Mặt khác, những bệnh nhân uống phải thuốc giả hoặc thực phẩm chức năng giả còn có nguy cơ đối mặt với những tác dụng của các thành phần không đúng như công bố có trong thuốc hay thực phẩm chức năng khiến bệnh trở nặng hoặc tử vong”.
Khó kiểm soát
Sản xuất hàng giả, trong đó có thuốc và thực phẩm chức năng, đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Vì khoản lợi nhuận rất lớn có thể thu lại, các tổ chức, cá nhân đã bất chấp mọi thủ đoạn để sản xuất, kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng.
Vụ án Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VN Pharma, cùng đồng phạm là điển hình cho vấn nạn sản xuất thuốc giả tại Việt Nam. Công ty VN Pharma cấu kết với các tổ chức, cá nhân từ các quốc gia khác sản xuất thuốc điều trị ung thư giả rồi hợp thức hóa, nhập về Việt Nam tiêu thụ. Khi những bản án với các đối tượng tại VN Pharma được tuyên còn chưa ráo mực, tháng 6 lực lượng Công an lại tiếp tục phát hiện và triệt phá đường dây sản xuất tân dược giả.
Cơ sở xảy ra sai phạm là Công ty Cổ phần Dược phẩm Amtex Pharma (Cty Amtex Pharma tại Bến Lức, Long An - đơn vị đã được cấp phép hoạt động sản xuất tân dược). Các đối tượng đã lợi dụng sự khan hiếm của tân dược ngoại nhập hỗ trợ điều trị COVID-19, tổ chức đường dây sản xuất, buôn bán tân dược giả nhãn hiệu Neo-Codion số lượng lớn.
Tuy nhiên, các vụ việc bị phát hiện và xử lý mới chỉ là bề nổi của tảng băng. Bà Nguyễn Diệu Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho biết, từ năm 2017 đến 2021, theo thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, số lượng thuốc giả trên thị trường chiếm khoảng 0,04% so với tổng số các mẫu bị lấy kiểm nghiệm. Các loại thuốc bị làm giả phổ biến là đông dược, kháng sinh, giảm đau được sản xuất rất tinh vi, rất khó phát hiện.
Dẫn nguồn cảnh báo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Nguyễn Ngọc Tâm, Trung tâm Công nghệ chống giả Việt Nam, cho biết, cứ 10 viên thuốc điều trị bệnh thì có 1 viên thuốc bị làm giả. 10% số thuốc được bán ra ở các nước đang phát triển là giả hoặc không đạt tiêu chuẩn làm cho hàng chục nghìn người tử vong.
Trong khi đó, công tác kiểm soát thuốc giả, thực phẩm chức năng giả đang rất nan giải. Thuốc và thực phẩm chức năng hiện không chỉ bị làm giả ở một vài khu vực mà phát triển trên diện rộng ở nhiều tỉnh thành trong nước hoặc quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý Thị trường, thuốc và thực phẩm chức năng thường bị làm giả về chất lượng, công dụng, giả tem nhãn, bao bì, hàng hóa và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tuy nhiên, khi phát hiện lô hàng nghi bị làm giả thì việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn do lực lượng quản lý thị trường thiếu chuyên môn liên quan đến thuốc và thực phẩm chức năng.
Mặt khác, việc giám định thuốc hoặc thực phẩm chức năng có dấu hiệu bị làm giả đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh và chưa có công cụ để xác định độ thật giả của sản phẩm thuốc.