17h ngày 20/8 là hạn cuối đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học trên cổng của Bộ GD&ĐT. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong 941.759 thí sinh đăng ký xét tuyển chỉ có 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng lên hệ thống. Như vậy, có đến trên 325.000 thí sinh (chiếm hơn 34%) bỏ xét tuyển đại học.
Nhiều thí sinh đăng ký mà phần mềm của Bộ “lại không biết”
Trao đổi về con số hơn 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho rằng có nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân đầu tiên theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, học phí mấy năm gần đây nhất là ở các trường được tự chủ khá cao. Trong khi đó, nhiều gia đình ở nông thôn không đủ tiền cho con em học ở những trường trên thành phố, nhất là ở Hà Nội và TP.HCM.
“Nếu thí sinh vào trường tốt, cơ hội việc làm sau khi ra trường cao thì cơ hội với thí sinh không nhiều còn nếu học các trường đại học ở địa phương không tốt nên các em có xu thế vào học ở các trường cao đẳng, trường nghề sau đó học liên thông lên đại học. Xu thế này các ngày thể hiện càng rõ”- ông Dũng cho hay.
“Với mức độ tự động hóa cao như hiện nay thì công nhân ở nhiều tập đoàn chỉ cần đào tạo trong khoảng một tuần là làm được việc thì trong suy nghĩ nhiều thí sinh họ không cần học cao đẳng hay đại học ngay. Vì thế, nhiều thí sinh đã chủ động học nghề, trung cấp,... trước rồi sau dần có điều kiện sẽ học lên sau”- ông Dũng chỉ ra.
Cũng theo ông Dũng, việc đăng ký xét tuyển năm nay vào đại học và cao đẳng lại tách riêng nên nhiều thí sinh đăng ký xét tuyển cao đẳng thì phần mềm của Bộ “lại không biết”.
Lý do khác, theo ông Dũng, có thể thí sinh bỏ không đăng ký xét tuyển nguyện vọng vì năm nay việc xét tuyển….“hơi tệ”.
“Chưa bao giờ đến tháng 9 mới xét tuyển đại học như năm nay do Bộ GD&ĐT bắt thí sinh “chui vào một rổ” khiến việc xét tuyển bị trễ. Thực tế, nhiều thí sinh giỏi có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điều kiện kinh tế tốt đã đi du học sau 2 năm trước bị COVID-19 không đi được.
“Cũng chưa có con số thống kê đến thời điểm này các thí sinh đi học nước ngoài nhưng theo tôi khoảng 50.000-70.000 thí sinh đã đi du học không xét tuyển đại học nữa”- ông Dũng nói.
Có gây bức xúc cho thí sinh?
Theo quy định năm nay, những thí sinh đã trúng tuyển bằng các phương thức khác cũng phải đăng ký nguyện vọng, xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ. Tuy nhiên, một lượng thí sinh không kịp cập nhật quy định này, đinh ninh mình đã trúng tuyển.
“Nếu vậy, thí sinh không đăng ký và lỡ cơ hội xét tuyển vào đại học. Điều này sẽ gây bức xúc cho các em học sinh và phụ huynh”- các chuyên gia nhận định.
Chung quan điểm, PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) cũng cho rằng trên thực tế tuyển sinh năm nay với quá nhiều phương thức xét tuyển, các thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển sớm có điều kiện từ các trường nên có thể các em nghĩ rằng đã chắc chắn đậu đại học như mọi năm nên không cần đăng ký gì nữa. Đây là sai lầm của thí sinh.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng nêu quan điểm, cứ bảo tự chủ đại học nhưng hiện tại Bộ GD&ĐT lại không hẳn cho các trường tự chủ trong tuyển sinh.
“Nên giao cho các trường tự lọc ảo, sống chung với ảo. Các nước trên thế giới tuyển sinh vẫn ảo đấy thôi. Có chống cũng không được”- ông Dũng nói.
Bộ GD&ĐT mở lại hệ thống đăng ký
Bộ GD&ĐT cho hay, quá trình tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ của thí sinh cho thấy vẫn còn những thí sinh nhầm lẫn, sai sót trong quá trình đăng ký nguyện vọng. Bộ GD&ĐT đã mở lại hệ thống đăng ký nguyện vọng đến hết 17h00 ngày 23/8/2022 để tạo thêm điều kiện cho các thí sinh tự đăng ký, chỉnh sửa thông tin. Đây là cơ hội cuối cùng để thí sinh hoàn thành việc đăng ký nguyện vọng của mình.
Đại diện Bộ GD&ĐT: "Con số thể hiện thực lực, thực chất của thí sinh?
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, khẳng định, thực tế, số thí sinh không nhập nguyện vọng là số liệu bình thường, không thể hiện điều gì đáng quan ngại.
PGS Thủy phân tích, mọi năm, khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, thí sinh phải cùng lúc đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học và nộp lệ phí xét tuyển ngay. Do đó, thí sinh sẽ có xu hướng và tâm lý “cứ đăng ký trước, đăng ký thật nhiều nguyện vọng” để tăng cơ hội trúng tuyển, sau đó mới dần điều chỉnh.
Tuy nhiên, năm 2022, đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tách ra khỏi quy trình đăng ký tuyển sinh, thí sinh chỉ cần tích vào một ô trên phiếu đăng ký dự thi với nội dung “có ý định đăng ký xét tuyển đại học hay không”. Đa số thí sinh sẽ tích vào ô này vì không gây ảnh hưởng đến quyền lợi; khi biết điểm thi mới là thời điểm quyết định đăng ký nguyện vọng thực sự và nộp lệ phí.
Bà Nguyễn Thu Thủy thông tin, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên hệ thống là 642.270, năm 2021 là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 có giảm, nhưng thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, thực sự mong muốn vào học đại học.
“Khi nhận kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh biết bản thân đang ở đâu, biết được năng lực, thực lực đạt được của mình như thế nào. Nhiều thí sinh khi có kết quả điểm không cao, nhận thấy không đủ khả năng cạnh tranh khi xét tuyển đại học, do vậy đã không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Nhiều thí sinh khác đã có kết quả và quyết định đi du học... Và điều này cũng giảm được công sức, giảm được việc thí sinh nộp lệ phí xét tuyển không cần thiết, tính trên toàn hệ thống là một sự tiết kiệm xã hội lớn. Bởi vậy, việc năm nay có khá nhiều thí sinh không nhập nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống là chuyện bình thường”, PGS Thủy giải thích.
Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Thu Thủy cho rằng có một số lượng lớn thí sinh đi du học năm 2022 nên cũng không đăng ký xét tuyển. Trước đó, các năm 2020 và 2021, nhiều thí sinh bỏ lỡ việc đi du học do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm nay, ngay khi có điểm thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều thí sinh đã bắt đầu hành trình đi du học ở khắp nơi trên thế giới. Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phân tích số liệu về điểm thi tốt nghiệp THPT, phân tích theo vùng miền… đối với số lượng 325.000 thí sinh không đăng ký xét tuyển kể trên để có các điều chỉnh chính sách tương ứng, phù hợp trong những năm tới.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh thêm, nếu nhìn vào năng lực đào tạo hiện nay của hệ thống, tức là số lượng chỉ tiêu mà các trường đại học đã công bố thì con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển là hợp lý.
Bởi hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam hiện không đủ dung lượng để đào tạo cho tất cả trên 940.000 thí sinh nếu cùng đăng ký xét tuyển. Thực tế, năm 2020, số lượng nhập học chính quy theo tất cả phương thức xét tuyển là 441.913 thí sinh. Đến năm 2021, con số này tăng lên thành 501.455 thí sinh, là số liệu nhập học đại học cao nhất từ trước đến nay.
Với một số ý kiến cho rằng con số trên 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống chính là “tỷ lệ ảo” lớn, sẽ gây khó khăn cho các trường trong công tác tuyển sinh, PGS Thủy nêu ý kiến: “Đây không phải tỷ lệ ảo, mà chính là việc giúp giảm số “thí sinh ảo” trong hệ thống khi triển khai công tác tuyển sinh”.
PGS Thủy nhấn mạnh, con số 616.522 thí sinh nhập nguyện vọng phần lớn đã là những người muốn học đại học, có đủ năng lực để học đại học. Việc hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT chạy lọc ảo trên những thí sinh này giúp chúng ta “giảm ảo” rất nhiều, bởi nếu giữ cả những thí sinh không muốn học/khó có khả năng đỗ sẽ càng làm rối các con số và khiến các trường càng khó xác định đúng được số lượng thí sinh có khả năng nhập học.