Hà Nội:

Bất cập 8 sở chuyên ngành và quận Tây Hồ cùng quản lý Hồ Tây

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo thông tin từ UBND thành phố Hà Nội, việc quản lý Hồ Tây liên quan đến 7 lĩnh vực; 8 sở chuyên ngành, UBND quận Tây Hồ và UBND các phường của quận Tây Hồ. "Giai đoạn 2009 - 2016 có quy định riêng, giai đoạn 2016 đến nay chưa có quy định riêng nên chưa bao quát hết các nhiệm vụ về quản lý hồ Tây”, văn bản của thành phố nhận định.

Hà Nội hiện đang lấy ý kiến về việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 08 của HĐND thành phố ngày 3/8/2016 về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thành phố là địa phương tiên phong trong cả nước trong việc thực hiện phân cấp và có hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phân cấp tương đối bao quát các ngành, lĩnh vực và liên tục có rà soát, điều chỉnh phân cấp để phù hợp với các quy định T.Ư mới ban hành và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu phát triển của xã hội.

Bất cập 8 sở chuyên ngành và quận Tây Hồ cùng quản lý Hồ Tây ảnh 1

Một góc Hồ Tây khi hoàng hôn. Ảnh: Trường Phong

Theo nhận định, dù có nhiều kết quả tích cực, nhưng quy định phân cấp ở mỗi thời kỳ cũng đều có một số hạn chế, cần được khắc phục, nổi cộm như giai đoạn 2011 – 2015 là khó khăn cho cơ sở trong việc phân cấp quản lý các trung tâm y tế, trạm y tế xã phường do có sự mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật nên các quy định phân cấp ban hành nhưng chưa được thực hiện; giai đoạn 2016 – 2020 là bất cập trong lĩnh vực thủy lợi (thành phố thống nhất quản lý lĩnh vực thủy lợi), chiếu sáng, thoát nước ngõ xóm đô thị (do thành phố quản lý).

“Đến nay, những bất cập này đã cơ bản được khắc phục tại Quyết định số 14/2021. Hiện chỉ còn một số vướng mắc trong quá trình bàn giao (chuyển chủ đầu tư, ký kết hợp đồng các gói thầu) khi điều chỉnh phân cấp. UBND thành phố đã chỉ đạo các sở liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với nội dung này”, thành phố thông tin.

Thành phố cho biết, hiện nay, một số quy định phân cấp theo các văn bản pháp luật chuyên ngành của thành phố cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với quy định pháp luật mới.

Công tác phân cấp quản lý là nội dung quan trọng, phức tạp, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tại một số đơn vị chưa phân định rõ giữa việc phân cấp của thành phố cho cấp huyện và việc UBND thành phố giao UBND các quận, huyện thị xã làm chủ đầu tư các dự án nhiệm vụ chi cấp thành phố; một số huyện báo cáo khó khăn trong cân đối ngân sách của huyện.

Đặc biệt, trong quá trình điều chỉnh phân cấp giữa thành phố và cấp huyện, một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn trong quá trình bàn giao như: Lĩnh vực thủy lợi trong giai đoạn 2016 – 2020; lĩnh vực quản lý rừng; một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc bàn giao đối với lĩnh vực dịch vụ đô thị.

Liên quan đến công tác quản lý Hồ Tây, trao đổi với phóng viên Tiền Phong mới đây, đại diện quận Tây Hồ cho biết, quận đã có văn bản kiến nghị với thành phố giao quận quản lý Hồ Tây để khắc phục một số tồn tại, hạn chế đang nảy sinh.

"Chúng tôi chỉ quản lý về an ninh trật tự, quản lý bờ Hồ Tây, còn mặt hồ thuộc quản lý của sở chuyên môn. Thế nên có những trường hợp câu cá, bắt cá trộm ở Hồ Tây, lực lượng của phường, của quận cũng chỉ chủ yếu nhắc nhở chứ không xử phạt được vì không thuộc phạm vi quản lý", vị này nói.

“Đối với một số nhiệm vụ cụ thể liên quan đến nhiều cấp, ngành, nhiều lĩnh vực chưa quy định phân cấp đầy đủ, bao quát như quản lý Hồ Tây liên quan đến 7 lĩnh vực; 8 sở chuyên ngành, UBND quận Tây Hồ và UBND các phường của quận Tây Hồ; giai đoạn 2009 – 2016 có quy định riêng, giai đoạn 2016 đến nay chưa có quy định riêng nên chưa bao quát hết các nhiệm vụ về quản lý hồ Tây”, văn bản của thành phố nhận định.

Dự thảo Nghị quyết đang xây dựng nội dung phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội gồm: Quản lý đường bộ; Quản lý chiếu sáng công cộng; Quản lý công viên, vườn hoa, cây xanh, thảm cỏ; Quản lý thoát nước đô thị và xử lý nước thải; Quản lý vệ sinh môi trường; Quản lý bến xe ô tô, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, điểm đón, trả khách, vận tải hành khách tuyến cố định và vận tải hành khách công cộng; Quản lý cấp nước sạch; Quản lý thủy lợi; Quản lý đê điều; Quản lý rừng; Quản lý thông tin truyền thông; Quản lý giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; Quản lý văn hóa, thể thao, du lịch; Quản lý y tế; Quản lý các hoạt động xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; Quản lý chợ.

Theo UBND thành phố, qua rà soát, tổng số nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cấp thành phố là 1.890 nhiệm vụ. Nhiệm vụ của cấp huyện là 407 nhiệm vụ. Các nhiệm vụ HĐND thành phố và UBND thành phố đã được phân cấp cho cấp huyện là 67 nhiệm vụ ( trong đó riêng việc phân cấp 15 lĩnh vực tại Quyết định 14/2021 là phân cấp lõi, sẽ tác động đến việc phân cấp ít nhất 10 lĩnh vực, nhiệm vụ khác như: giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, quyết toán, giám sát đầu tư, thủ tục hành chính liên quan, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, phân bổ ngân sách; Như vậy, ít nhất khoảng 150 nhiệm vụ chính được phân cấp theo). Các nhiệm vụ chưa được phân cấp là 573 nhiệm vụ (trong đó 544 nhiệm vụ quy định nhiệm vụ cụ thể thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, hiện chưa phân cấp cho cấp huyện, gồm cả các thủ tục hành chính); 24 nhiệm vụ cấp huyện chưa đảm bảo về năng lực, gồm các việc xây dựng, công bố quy hoạch, kế hoạch ngành, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra ngành; 8 nhiệm vụ cấp thành phố thực hiện sẽ tốt hơn).

MỚI - NÓNG
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lí giải chuyện đạt IELTS 7.0 được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh
Sở GD&ĐT Hà Tĩnh lí giải chuyện đạt IELTS 7.0 được công nhận học sinh giỏi cấp tỉnh
TPO - Liên quan đến chế độ đặc cách công nhận học sinh có điểm IELTS từ 7.0 trở lên thành học sinh giỏi cấp tỉnh, ông Nguyễn Ngọc Lê Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết, chính sách này đã nâng cao chất lượng học ngoại ngữ của học sinh. Điều này được minh chứng qua sự gia tăng liên tục về thứ hạng điểm trung bình môn ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm.